-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tủ sách triết học
15/02/2023
TỦ SÁCH TINH HOA CỦA NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC
CÁC PHÁC THẢO TRIẾT HỌC - TRIẾT GIA
CÁC VẤN ĐỀ KHÁC
TRIẾT HỌC VÀ NHÂN SANH QUAN
Nói chuyện tầm thường ở đời
Khi hạ bút nhứt định viết bài nầy, tôi có một điều trước hết muốn phân cùng độc giả, là trong bài nầy, tôi nói chuyện rất tầm thường, chớ không phải cao xa chi; xin chớ thấy chữ "triết học" và chữ "nhân sanh quan" mà tưởng là khó rồi thở dài, hay đến bỏ đi không thèm đọc.
Tôi thấy có đôi người than phiền rằng trong tập báo này nhiều bài cao kỳ quá, lắm kẻ không đọc được, như vậy thì đăng làm chi vô ích.
Sự đó quả có; nhưng mà nó thuộc về phần rất ít. Trước sau chỉ có mấy bài trong cuộc phê bình sách Nho giáo thì thật có cái tánh chất ấy; ấy cũng vì lỡ ra một bài rồi nó kéo giây luôn, chớ không phải chúng tôi cố cầu kỳ mà vượt ra bên ngoài phạm vi của tờ báo mình đâu. Đến như những bài khác chỉ là tri thức thông thường mà cũng cho là "đồ viễn vông" (có một vị độc giả gởi thơ nói như thế), thì lời luận ấy quá câu nệ, chúng tôi không phục.
Cái mục đích của Bổn báo là muốn nhắc cao cái trình độ tri thức của phụ nữ lên cho bằng đàn ông, thì cái gì đàn ông nên biết, đàn bà cũng nên biết; sao những cái ấy được đăng vào báo phụ nữ, người ta trở lại than phiền? Hay là nói hiện nay đàn bà nước ta chưa có thể biết đến những cái ấy? Nói vậy thì ra có ý dể ngươi lắm đó: đàn bà ta ngày nay, cái phần có học thức cao và rộng tuy chưa phải là phần nhiều, chớ chẳng phải là không có trơn. Huống chi báo này tiếng là riêng cho đàn bà đọc, chớ thật sự ra thì cũng như cho cả quốc dân vậy.
Lại phải biết cái trách nhiệm của nhà báo có một phần ở sự chữa sửa cho xã hội và dẫn dắt công chúng. Chữa sửa, là lời nói kèm vào; chớ ở đây tôi muốn trọng về sự dẫn dắt hơn. Dẫn dắt tức là làm người chỉ đường cho nhiều người. Chúng tôi không dám tự phụ mình là hay là giỏi, song trót đã đứng ra gánh lấy một phần trách nhiệm ấy thì không có thể chạy chối đi đâu được. Vậy mà bảo rằng hễ cái gì công chúng biết được, sẽ nói, còn cái gì không biết, đừng nói làm chi, - thế thì cũng không ai cần có tờ báo nầy làm chi!
Chúng tôi nhận định cái cách làm báo của chúng tôi: Một là không a dua với xã hội, cho nên gặp điều gì sai lầm, chúng tôi không tị hiềm gì hết mà cứ việc sửa chữa; một là phải đi trước xã hội, cho nên chúng tôi tùy theo sức biết của mình mà mỗi ngày mỗi cống hiến thêm những cái mới cái lạ cho bà con.
Sợ độc giả rầy rà, nên trước khi viết cái bài mà có thể bị tình nghi là triết học nầy, tôi phải có mấy lời giãi tỏ như trên đây.
Phàm người ta ở đời phải có học. Học để mà ở đời. Vậy thì phàm bao nhiêu những món học đã lập nên, như là khoa học, triết học, hóa học v.v... đều là có dính dấp với sự ở đời hết. Phải, nếu không dính dấp với sự ở đời, thì có ai đặt những cái học ấy ra làm chi?
Các cái học ấy đã có dính dấp với sự ở đời thì hễ ai là người ở đời, cũng đều nên biết hết. Chỉ duy trong sự biết có chia ra hai thứ: biết chuyên môn và biết phổ thông. Như nói về triết học, thì ông Descartes, ông Kant, các ổng là chuyên môn, các ổng biết một trăm phần; còn chúng ta, chị, anh hay là tôi, em hay là qua, vào hạng phổ thông, cũng phải biết lấy một phần vậy. Chớ còn nói "tôi không biết", ấy là không được, ở vào đời nầy lại càng không được lắm. Hỏi tại sao. Tại mình là con người ở đời, mà nó là cái học có dính dấp với sự ở đời, chớ tại sao?
Nay bỏ các cái học kia đi, chỉ nói một mình triết học. Nó có đã lâu, chớ không phải mới đây. Mà ở Đông phương ta, cái học ấy cũng đã có hơn hai ngàn năm nay rồi, chớ chẳng phải từ người Tây đem sang mới có. Có điều cái tên "triết học" thì là dịch của người Tây ra, chớ ta ngày xưa, cái học ấy không có tên, hay là có mà khác. Một điều nầy rất chắc, là theo lịch sử, Đông phương hay Tây phương cũng vậy, cái triết học ấy thuở xưa chỉ sắm riêng cho một hạng người cao minh, như ta kêu bằng thánh, hiền, đại nho đó, nghiên cứu mà thôi, chớ không có đem mà phổ thông cho dân chúng.
Song sự học ở đời nay thì không như vậy nữa. Bất kỳ cái học gì cũng vậy, các bậc cao minh ấy không được choán riêng làm của mình nữa. Đã có nhiều vị học giả trong thế giới đương trù liệu cách làm sao đem những món học cao thâm ấy mà làm cho nó hóa ra tầm thường giản dị để ai ai cũng biết được hết, để ai ai cũng lấy nó mà ứng dụng vào sự ở đời của mình được hết. Như vậy sự sống của từng người hầu có giá trị thêm, Và sự sống của cả loài người cũng hầu có giá trị thêm; rồi những cái huy hiệu thánh, hiền, đại nho sẻ không có nữa, vì ai ai cũng sẽ là thánh, hiền, đại nho tất cả, khi ấy mới thấy thật lời người bình đẳng. Sự trù liệu ấy vẫn đương còn là trù liệu, nhưng có người tin quyết rằng có ngày sẽ thành công, ngày ấy ở sau ta một ngàn năm hay mấy ngàn năm chưa biết chừng.
Theo ngu ý thì cái sự mong cho loài người được bình đẳng một cách chơn thật ấy (nói vậy để tỏ ra cái bình đẳng ngày nay còn chưa chơn thật) chưa biết có thể đạt tới được cùng chăng; chớ cái sự trù liệu đem những học vấn cao thâm làm ra tầm thường giản dị hầu phổ cập cho dân chúng thì thật là nên lắm nếu chúng ta có thể. Vì tôi tin rằng con người ở đời nếu ai cũng biết được nhiều ít thứ học vấn ấy, thì sự sống của họ ắt có tốt đẹp ra nhiều, thêm hạnh phước hơn nhiều.
...
Như vậy thì tôi đem triết học và nhân sanh quan mà nói vào báo Phụ nữ tân văn này, có cái gì là quá lố đâu; mà cũng chẳng phải lạ lùng chi hết. Duy có một điều, nếu tôi nói ra mà độc giả nghe không hiểu là nói gì, hay là hiểu mà cho là vô lý, hay là hiểu mà cho là vô vị, dễ chán, thì khi ấy sẽ trách tôi, tôi chịu.
...
Thuở nay ta nghe nói "triết học" (philosophie) hay là "nhà triết học"(philosophe) thì ta những dựt mình, ta cho cái học ấy như là cao sâu mầu nhiệm quá lắm, vượt lên trên ý tưởng của chúng ta; còn cái người thông cái học ấy mà kêu bằng "nhà triết học" đó, thì là ông thần ông thánh chi, chớ không phải loài người như ta nữa. Điều đó thật là tại ta nhát gan quá, rồi thành ra bị họ dọa, hễ sợ một lần rồi sợ luôn, họ dọa một người được rồi họ dọa hết, chớ kỳ thiệt đâu có đến như vậy. Cái triết học vẫn cao sâu thật, nhà triết học vẫn thông thái thật, nhưng nó cũng là việc thường, họ cũng là người thường, ai cũng có thể biết như họ được, chớ không có khó như lên trời đâu vậy.
Nó không khó mấy. Nhưng nếu một việc gì dầu không khó mấy mà biết nó cũng vô ích thì cũng chẳng nên cằm cục lo cho biết làm chi. Duy cái triết học nầy, biết nó được thật là có ích, bởi vậy dầu có khó mấy, ta cũng nên tìm tòi cho biết.
Xin nói ngay vào triết học. Triết học là gì?
Nói vắn đi thì nói rằng: Triết học là cái học đi tìm kiếm một cái lẽ nào cho thật phải để mà ở đời. Còn nói dài ra cho rõ hơn một chút thì nói: Phàm nghiên cứu những vấn đề nào thiết yếu cho sự sống của người ta, nhè chỗ cội gốc mà suy nghĩ, cốt tìm cho ra một cách giải quyết đến cột gốc: sự nghiên cứu ấy, — hay là sự học ấy — gọi bằng triết học.
Coi kia! như vậy thì có gì là khó đâu. Ta thấy nó rộng thinh thang thì có, chớ chẳng có cái gì là mắc mỏ hết. Ai nghe triết học mà chưa biết nó là gì thì tưởng là cái gì lạ lắm, chớ đã biết nó vậy đó, thì kêu nó là "cái học tìm cách ở đời" cũng được. Rồi nhớ lại trong sách Luận ngữ, Mạnh tử cùng các sách khác, bao nhiêu những lời dạy cho người ta thế nọ thế kia, cũng là triết học chớ gì. Mà cho đến những câu tục ngữ phong dao của ta, như là: người sống hơn đống vàng; anh em là ruột là rà, vợ chồng như áo cổi ra thì rồi... cũng đều là có ý vị triết học hết.
Phân biệt nhau là ở chỗ "nhè cội gốc mà suy nghĩ, tìm cho ra cách giải quyết tới cội gốc", triết học với không phải triết học là ở đó. Ví dụ như: người ta ở đời làm lành hay làm dữ, là một vấn đề thiết yếu. Không phải triết học thì chỉ nói cụt ngủn rằng người ta nên làm lành lánh dữ mà thôi; như thế là còn chưa giải quyết tới cội gốc. Triết học thì khác: gặp cái vấn đề ấy, nhà triết học phải nghiên cứu đến thế nào là lành thế nào là dữ, người ta bởi sao phải làm lành, bởi sao phải lánh dữ... rồi mới quyết đoán cho là phải làm lành; như vậy mới là giải quyết tới cội gốc, như vậy mới là triết học.
Vấn đề thiết yếu của người ta ở đời có nhiều cái lắm, không phải một cái; mà người ta lại còn có dính dấp với những cái ở bên ngoài mình nữa, bởi vậy triết học cũng theo đó mà chia ra nhiều môn loại.
1. Người ta thấy trên mình có trời (cùng các vị tinh tú), dưới mình có đất, chung quanh mình có muôn vật, thấy vậy không thể mần ngơ đi, phải suy nghĩ nó là gì, thế nào. Có suy nghĩ mà nhìn nhận ra nó là gì, thế nào, rồi mới lập định cái cách thức ở đời của mình được. Phải, nếu tôi tin đại rằng đến ngày mai đây trời sẽ sập, đất sẽ tan mất cả, người và vật sẽ diệt hết, thì hôm nay tôi còn ngồi đây viết báo làm chi! — Đó, sự suy nghĩ nhìn nhận ấy, kêu là võ trụ quan (nghĩa đen là sự coi võ trụ ra thế nào).
2. Sự nhìn biết võ trụ vạn vật cho đến mọi sự trong thế gian mà phán đoán và quyết định nó làm sao, ấy là nhờ ở đâu? Nhờ ở người ta có tri thức và tư tưởng. Nếu có người ta rồi, mà nếu người ta không có tri thức tư tưởng thì từ võ trụ cho đến vạn sự vạn vật cũng đều không có hết. Bởi vậy trong cõi triết học, tri thức tư tưởng của người ta: cái phạm vi của nó tới đâu, cách tác dụng của nó thế nào, cái phương pháp dùng nó làm sao, đều phải biết rõ từ trước. - Muốn biết rõ những điều đó, người ta đặt ra luận lý học và tri thức luận. Những cái nầy coi cũng như là công cụ (outil) để làm việc triết học, hay là như cái chìa khóa đề mở cái tủ triết học ấy.
3. Đã biết rõ võ trụ vạn vật là gì và thế nào rồi, đã biết tri thức tư tưởng của mình ra sao và dùng nó thế nào rồi, khi ấy nên quyết định người ta sống ở đời nên làm thế nào. - Đó tức là nhân sanh quan (nghĩa đen là sự coi người sống ra thế nào). Mới coi nó ra thế nào thì kêu bằng nhân sanh quan; đến khi coi đã thấu đáo rồi, lập ra một cách ở đời hiệp với cái nhân sanh quan ấy, thì kêu bằng nhân sanh triết học, tức là trước kia chúng ta kêu bằng luân lý.
4. Những điều trên đó, nếu có ai tự mình biết được, làm được, cũng chỉ một số rất ít người mà thôi. Muốn cho cả loài người hay là nhiều người cũng cho có tri thức, biết đường tư tưởng, lại làm lành lánh dữ nữa, như thế, phải dạy nhau mới được. Mà hễ đã nói đến sự dạy thì tất nhiên phải định trước cái mục đích của sự dạy là gì và cái phương pháp của sự dạy thế nào. - Đó là giáo đục triết học.
5. Loài người nhóm nhau lại mà ở thì phải có xã hội quốc gia. Những xã hội quốc gia ấy nên tổ chức bằng cách nào, cũng phải có khuôn phép mẫu mực mới được. — Đó là chánh trị triết học.
6. Nhẫn lên năm điều, đều nói về sự lúc người ta sống. Nhưng người ta không phải sống hoài, phải có chết, Vậy thì người ta chết rồi đi đâu? Mất đi, hay là biến ra kiếp gì nữa? điều đó nếu không giải thích thì cũng không phỉ nguyện loài người được, cần phải có giải thích. — Đó là tông giáo triết học.
Làm một cái biểu như dưới nầy, kêu bằng "Cái biểu triết học phân loại" thì coi càng rõ hơn:
TRIẾT HỌC
1. Vũ trụ quan
2. Luận lý học, Tri thức luận
3. Nhân sanh quan, Nhân sanh triết học (luân lý)
4. Giáo dục triết học
5. Chánh trị triết học
6. Tông giáo triết học
Ai bình sanh đã nghe chữ triết học mà chưa hiểu là gì, đọc qua những lời tôi nói nãy giờ, chắc sẽ hiểu được.
Biết được những điều tôi nói đây, thì có phải đã là biết triết học không? có phải đã là có ích không? Điều đó thì tôi không dám cam đoan. Biết những điều nầy tuy chưa phải là biết cả triết học, nhưng mà có ích, là vì do đó mà biết nhiều thêm nữa thì tức nhiên biết cả triết học.
Đáng lẽ nên nói thêm nữa, nhưng xin để khi khác, hiện đây tôi phải nói gấp về nhân sanh quan.
Ngày kia, trong khi đứng chờ xe điện, một ông thanh niên tay cầm tờ báo có in tấm hình mấy tên lính Nhựt đánh giặc bị thương, chết nằm sóng sượt, chỉ cho tôi coi mà nói rằng: "Ngó thương tâm quá ông hả! Như vậy thì còn đánh giặc làm gì kìa?"
- Biết vậy rồi mà không có chiến tranh thì không có tiến hóa; lẽ thường, cuộc đời phải vậy! - Tôi đáp.
- Thế thì người ta sanh ra để làm gì? Làm hy sanh cho cuộc tấn hóa sao?
- Không biết được, ấy là tùy mỗi người hiểu. - Tôi vừa nói vừa ngó chăm ông thanh niên mà tiếp thêm rằng: - Mấy lời ông nói, đã động tới vấn đề nhân sanh quan rồi đó. Nếu trong nước ta ai cũng biết nghĩ tới chỗ đó như ông thì, tôi nói thật, cái cuộc đời của chúng ta sẽ đổi khác ngay.
Nghe mấy lời tôi, ông thanh niên nhót nhép hòng nói nữa, mà chuyến xe của tôi đi vừa tới, tôi phải bước lên, ông ấy lật đật ngả nón mà nói với theo rằng: "Ông có thể đem mà viết lên trên báo”.
Cái động cơ tôi viết bài này là từ đó. Đáng lẽ chỉ nói về nhân sanh quan mà thôi, song vì nó còn lạ với người mình, muốn cho có đầu có đuôi dễ hiểu, tôi phải phăng lên tới triết học. Triết học phân ra có sáu loại, vì tôi cốt trọng một phần nhân sanh quan mà thôi, cho nên bỏ cả năm loại kia. Bởi vậy mới lập cái đầu đề là "Triết học và nhân sanh quan”.
Triết học có sáu loại, nhưng xem kỹ mà xem, thì duy có loại thứ ba, nhân sanh quan, là chủ yếu hơn hết. Bắt từ loại thứ nhứt kể tới nó thì nó như là cái thành tích (Résultat) của hai loại trên; còn bắt từ nó kể xuống thì nó như là cái khởi điểm của ba loại dưới: bởi vậy nhân sanh quan là phần chủ yếu của triết học.
Bây giờ xin nói đến bổn thân cái nhân sanh quan.
Nếu có một người đi ngang qua chưn núi, trên núi có một hòn đá lăn xuống nhằm chưn người ấy, thì người ấy có phiền trách hòn đá lỗ mãng không? Chắc là không: mà người ấy lại còn trách mình đi không nhắm trước nhắm sau để cho đụng phải hòn đá nữa. Như vậy đủ thấy người ta có ý chí, hành vi phải chịu trách nhiệm, chớ không như hòn đá là vật không tự chủ, không có trách nhiệm.
Người ta phải có cử động, mà cử động phải chịu trách nhiệm, như vậy đã thấy sanh ra vấn đề rồi. Cái vấn đề ấy là: cử động thế nào cho phải. Cái cử động đã là phải thì nên cử động; thế thì phải cũng là nên. Mà cái vấn đề phải và nên đã sanh ra, thì tức thị cái vấn đề nhân sanh quan cũng sanh ra rồi đó. Bởi vì nếu không phải là người sống (nhân sanh), mà như hòn đá, thì sự cử động của nó, tức là sự lăn của nó, có ai hỏi đến là phải hay không phải, nên hay không nên đâu!
Vì có cử động mà sanh ra vấn đề phải và nên; vì có hỏi đến phải và nên rồi lần lần nghiên cứu đền cái vấn đề nhân sanh là gì. Bởi nếu không nhận biết nhân sanh là gì trước đã, thì thế nào đoán định sự cử động của nó là phải hay không phải, nên hay không nên được? Nhưng khi đã giải quyết cái vấn đề nhân sanh là gì được rồi, mới có thể giải quyết luôn được cái vấn đề cử động thế nào là phải cùng không phải, thế nào là nên cùng không nên.
Nói nhân sanh là gì, hay nói người ta sống ở đời là gì, nhè chỗ đó mà nghiên cứu, rồi lấy ý kiến mình mà cấp cho nó một cái đinh nghĩa: như thế là nhân sanh quan đó, cũng là giải quyết vấn đề nhân sanh quan đó.
Như vậy, trừ ra chỉ có người nào sống như hòn đá, động như hòn đá, thì mới không có nhân sanh quan; còn ai đã có nghĩ đến sự sống của mình là gì thì đều có nhân sanh quan hết, và có thể nói được rằng của mỗi người một khác. Người nầy sống 70 năm, kết cuộc thế nầy, người kia 80 năm, kết cuộc thế kia, tuy còn bởi nhiều sự quan hệ khác nữa, nhưng có một điều không thể bỏ sót mà không kể được, là hai người ấy, cái nhân sanh quan của họ khác nhau. Nhân sanh quan của Khổng Tử khác, của Thích Ca khác, của Lão Tử khác, của Mạnh Tử khác, của Đạo Chích khác... mà của những người ấy với của những người tầm thường cũng khác nữa. Lại có thể nói được rằng nhân sanh quan của người Pháp khác, của người Việt Nam khác; người Chàm, người Mọi, nếu họ có nhân sanh quan thì cũng khác nữa... bởi có khác cho nên cái trình độ văn minh cũng nhơn đó mà chia ra cao thấp.
Như vậy, nhân sanh quan thật là phần chủ yếu trong triết học, nó chẳng những cần có cho từng người, mà cũng cần có cho một dân tộc hay là cả một nhân loại nữa. Nó rút một câu, người ta sống mà không có nhân sanh quan thì cái sống thật là vô nghĩa, vô ý vị, sự cử động của họ cũng như sự cử động của hòn đá, không có trách nhiệm, không phân biệt nên cùng chẳng nên, phải cùng chẳng phải: sự sống ấy không phải là sống, mà là chết.
Một người nếu sống mà cũng như chết thì còn gì là người! Một dân tộc cũng vậy! Nhân sanh quan là trọng yếu và cần có như vậy, cho nên tôi mới nói cùng vị thanh niên ấy rằng: "Nếu trong nước ta ai ai cũng biết nghĩ tới chỗ đó như ông thì cái cuộc đời của chúng ta sẽ đổi khác ngay".
Đây tôi đánh bạo bắt đầu làm cái việc mà ta chưa có ai chịu làm, là việc đem triết học làm cho ra bình dân hóa, cũng có thể gọi nó là "bình dân triết học". Để đợi độc giả xem thử, nếu có nhiều người cho là nghe được và không ai rầy rà than phiền chi, tôi sẽ nắm nối làm thêm.
PHAN KHÔI
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 125 (31.3.1932)
(Trích sách "Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1932" - Lại Nguyên Ân biên soạn)