Khoảng tối

04/01/2023

Sau những phiêu lưu, kiếm tìm, hoài niệm, khát khao và tiếc nuối của 3 câu chuyện hình ảnh đã kể trong Makét 02: Qua Khe Hở, Trước Khoảng Không, dự án “Chim Muông” / “Wildlife” của Bình Đặng mời người xem một chén rượu quý (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) để ngồi lại lâu chút, nhâm nhi và đối thoại.

 

Không đi lang thang tìm kiếm danh tính của mình như các tay máy khác trong ấn phẩm, Bình Đặng chọn cách ngồi xuống. Anh chờ lúc tối trời vắng người, trùm một tấm vải đen lên mình và vật thể rồi chụp. Dưới tấm vải đen của Bình Đặng, cả Trái Đất hoang sơ hiện hình.

Gì kia? Có phải đầm lầy nguyên thủy, những loài cá cổ đại đang trườn nửa thân mình lên bờ, rục rịch chuẩn bị tiến hóa thành loài 4 chân - tổ tiên con người?

Gì kia? Có phải chú chim trong ổ đang rùng mình xù lông, đón những hạt bụi bay là đà trong tia nắng sớm?

Đây là có phải một rạn san hô đang nảy nở, kia có phải bào thai dê đang ngủ ngon lành trong tử cung của mẹ?

 

 

À không, thời gian của những sinh vật đó đã dừng lại, chúng đâu thể tiến hóa, đâu thể phát triển hình hài, đâu thể mở mắt đón ngày mới. Tất cả những gì chúng có thể làm là phân hủy.

Đó là hình ảnh ngưng đọng của những bình rượu ngâm thú mà Bình Đặng lấy làm chủ đề cho dự án của mình.

Ở những nơi ánh sáng soi rọi, kết cầu bề mặt các sinh vật/vật thể nổi lên, dày đặc chi tiết đến tưởng như muốn cào xé mắt người nhìn, sự lạnh lùng khoa học dẫn ta đến cảm giác rờn rợn. Nhưng rồi mắt ta bị hút vào những điểm đen, vào khoảng không được ánh sáng buông tha. Khoảng tối là nước, khoảng tối ôm ấp, khoảng tối âm thầm tổ chức nghi thức thủy táng cho thi hài sinh vật. Rốt cuộc sinh vật trở về chất lỏng, trở về khoảng tối. Dưới bề mặt những hình ảnh này, sự hình thành và diệt vong trở về làm một, không khởi đầu, không kết thúc, như thời gian. Nghĩ theo cách đó giúp ta giữ được thăng bằng.

Tôi tưởng tượng đến hình dáng Bình Đặng trùm mình trong bóng tối, thu người nhỏ lại dưới mảnh vải đen để chụp những bức ảnh này, không biết khi đó bóng tối có xoa dịu anh, như nó xoa dịu tôi trong lúc phải nhìn thẳng vào sự mục rữa của cơ thể sinh vật?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Dự án “Chim Muông” / “Wildlife” của Bình Đặng được giới thiệu trong ấn phẩm Makét 02: Qua Khe Hở, Trước Khoảng Không.

* Bài viết về những dự án khác trong ấn phẩm:
Tấm canvas trống - Déjà vu - Quê hương lưu niệm

 

 

Kết thúc chuyến hành trình đọc và xem ấn phẩm Makét 02: Qua Khe Hở, Trước Khoảng Không bằng bức ảnh thi hài một con vật mà có thể đoán là kỳ đà đang cạp đuôi mình, tạo hình trong chất lỏng. Một liên tưởng về vòng lặp: sinh - tử - tái sinh.

Ứng vào ấn phẩm, có lẽ vòng lặp ở đây là gợi ý cách để ta thưởng thức ảnh: ta có thể đi từ bất cứ đâu, đến bất cứ hình ảnh nào, ta có thể mở đầu bằng những bài viết của Nguyễn Phương Thảo để trang bị thông tin tác giả và tác phẩm, hoặc không. Cứ cho phép mình lạc đường, cứ cho phép mình suy tưởng, vì như Nguyễn Phương Thảo viết “Cuộc gặp gỡ với một tác phẩm có thể gây mất phương hướng như lần đầu đặt chân tới chốn lạ. Nhưng chỉ cần xác định được con đường cái là ta sẽ thông tỏ đường đi lối lại và bắt đầu bén rễ,... Trong lúc lần theo dấu chân nghệ sĩ, tôi rẽ sang lối nhỏ trên bản đồ của riêng mình. Đến cuối hành trình, những mảnh đất xa xôi, nơi tôi chưa từng đặt chân, bỗng hóa thân quen."

Và lợi thế khi sở hữu sản phẩm dạng sách, là bạn có thể dừng, nghỉ, nghĩ theo nhịp của riêng mình, rồi lại cầm lên đi tiếp, hay bạn có thể ghé thăm lại tác phẩm ở một giai đoạn khác của cuộc đời, và nhận ra thêm điều gì đó. Như những hình bóng lồng trong chiếc đèn kéo quân, vòng lặp của việc hưởng thụ nghệ thuật luôn mở ra nhiều liên tưởng bất tận, không bao giờ khép lại.

Khi mà du hành thời gian còn chỉ là khái niệm và cỗ máy thời gian vẫn chỉ là sản phẩm tưởng tượng nằm trong hộc bàn của Nobita, thì bạn đã có sách trên tay.

 

DEMEDI

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi
popup

Số lượng:

Tổng tiền: