Tục-ca-lệ

Alain-René Lesage
45.000₫
Công ty phát hành Hộp
Ngày xuất bản 2022-10-11 09:17:26
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 146
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn
 
Gọi đặt mua: 0902711894

Tục-ca-lệ, kịch năm hồi

Tục-ca-lệ (Turcaret) có một niên đại hết sức oái oăm: nó được diễn lần đầu trong khoảng 10 năm đầu của thế kỷ 18. Cứ như thể là đã có một cú trượt chân, không kịp trụ lại trong cái thế kỷ mà người ta hay gọi là Grand Siècle (grande-siècle thì không phải cụm từ heureux được như fin-du-siècle): Thế kỷ Lớn, Corneille-Molière-Racine, etc. Dường như vở kịch ấy được tẩm một vị chua chát của cú văng ra khỏi, và đấy chính là lý do khiến nó tàn nhẫn đến mức đó.

Lesage, tên tác giả của vở kịch, ngược lại, là một cái tên hết sức heureux: một cái tên (tức là họ) ngay lập tức khiến người ta thấy được đảm bảo, được yên tâm. Le Sage, vậy thì cũng tương tự như Lamennais (La Mennais), Descartes (Des Cartes) hay thậm chí Le Tasse. Chẳng có gì để e ngại (nữa) khi đi vào thế giới do những người mang các cái tên giàu sức trấn an như thế tạo ra.

Sự trượt khỏi của Lesage (ra ngay ngoài ngưỡng) dường như có hiệu ứng là một điều: cảm giác kinh tởm (dẫu không quá mức, và dẫu vẫn rất comique) mà các nhân vật cùng xen kịch của Lesage gây ra. Điều này tôi sẽ nói rõ hơn (tức là tìm cách làm như vậy) ở dưới, nhưng chắc chắn là Scapin hay Sganarelle, đến cả Jupiter (Amphytrion) trong thế giới Molière (ở ngay trước thời Lesage) không giống thế. Đẩy xa hơn nữa thì càng rõ: Iago trong thế giới của Shakespeare không tạo hiệu ứng ấy, đến cả Macbeth (và Lady Macbeth): cũng không. Tuy có, và có rất nhiều terror. Dẫu có thế nào, những Horatio và những Antonio cũng khiến xuất hiện một cân bằng, điều làm cho nỗi kinh tởm khó lòng nảy sinh.

Nguyễn Văn Vĩnh, khi dịch Tục-ca-lệ (một lựa chọn mang lại rất nhiều vinh quang cho Nguyễn Văn Vĩnh, dẫu cả trăm năm vừa rồi người ta không hề biết đến: các vở Molière, dẫu chẳng ai - được - đọc thì vẫn được nhắc, tuy chỉ loáng thoáng, vở kịch lớn của Lesage thì hoàn toàn không) có một cú phóng tay rất ác hiểm, khi phiên âm tên Frontin thành “Phòng-tinh”. Và sau nhân vật ấy, thêm một lần nữa mặt tôi lại phải ngắn tũn (chiều dài sắp kém chiều rộng) vì té ra Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã “con rồ” (“Thật con rồ!”, lời của “Lý-dật” tức Lisette).

Từ khiến tôi bất ngờ hơn cả trong thế giới của Nguyễn Văn Vĩnh - ngay khi có thể bắt đầu đi vào thế giới ấy - là một từ rất thường, “vũ-sĩ”: tức là hiệp sĩ. Vũ-sĩ, thầy-tu, anh lính hoặc tên hầu mặc “áo dấu” (đồng phục), những gái “lòng lim dạ sứa” (không phải con sứa mà là cây sứa), và có điều gì mừng vui thì nhân vật nói “ôi mầng”. Có một cái gì đó rất chính xác (và nhất là cụ thể) khi ngôn ngữ vẫn còn ngây thơ và lúc ngôn ngữ đó được nhìn bằng con mắt của một người hiểu là các từ thì không nằm ì ra một chỗ. “Vũ-sĩ” là nhân vật chính của Mai-nương Lệ-cốt, một vũ-sĩ trẻ tuổi, con nhà “dòng sang”, tốt mà lụy tình quá mức; trong Tục-ca-lệ, ấy là một vũ-sĩ tồi tệ đúng như một vũ-sĩ có thể tồi tệ.

Quay trở lại với cảm giác chi phối chúng ta khi đọc vở kịch. Lesage, ở cả viết truyện lẫn viết kịch, đều có địa vị của “gần đầu tiên”. Gần đầu tiên chứ không phải đầu tiên. Trong kịch thì hơi bật ra khỏi thế kỷ tiên khởi của văn chương Pháp, còn trong truyện: tuy có thể coi là người Pháp đầu tiên của picaresque nhưng đó lại là thể loại (vừa) du nhập - từ Tây Ban Nha. Tiểu thuyết picaresque là tiểu thuyết về các “gueux”, những kẻ bần cùng, mạt hạng, và không ngại kể các câu chuyện xấu xa và cách rất xa khỏi chuẩn mực luân lý. Đến Lesage thì không hoàn toàn còn mối lo âu về phía các vertu, và tác phẩm văn chương trở nên thực sự thế tục. Molière có thể nhạo báng, nhiều khi, nhưng Lesage thậm chí còn chẳng cần phải nhạo báng.

Một cấu hình xã hội mới đã xuất hiện, một cách dứt khoát chứ không chỉ còn ở dạng mầm mống. Mối xung đột noble-roturier trong xã hội Pháp đã có hình thức cụ thể. Yếu tố mới là bourgeois (trong Tục-ca-lệ, khi từ ấy được nhắc đến, Nguyễn Văn Vĩnh dịch là “lê-thứ”). Bourgeois chính là thứ làm biến đổi xã hội đến tận gốc rễ.

Tục-ca-lệ (lão Turcaret) là một bourgeois; Tục-ca-lệ tán (chim) một nam-tước phu-nhân (baronne), còn vợ của Tục-ca-lệ, bị quẳng về quê cho rảnh nợ, thì tự nhận mình là một bá-tước phu-nhân (comtesse) trong các công cuộc chim nhau.

Trong con mắt của một hầu-tước, Tục-ca-lệ là một kẻ cho vay nặng lãi, nhận cầm đồ, không hề nể mặt tình thân (xưa kia từng đi ở cho một nhà quý tộc) bao giờ. Trong con mắt của một vũ-sĩ, đấy là một thứ mồi béo (để rỉa). Còn trong mắt một tên hầu như Phòng-tinh, sự khôn ngoan của Tục-ca-lệ không bõ bèn gì so với những ranh ma của thế giới. Con người bourgeois ở buổi khởi đầu chưa có địa vị như ta thấy về sau, mà ở vào thế hết sức bấp bênh, chẳng được ai coi ra gì.

Không terror, nhưng cũng không horror: điều kỳ lạ là một thế giới thiếu đi những cái như vậy thì mới lại thực sự khủng khiếp. Sự thêm vào này (bourgeois, etc.) đồng thời như thể là sự mất đi kia. Dẫu có thế nào, đấy là một thế giới nơi cái trác tuyệt và sự cao quý dường như đã không thể có chỗ nữa.

Và đó là một thế giới của đảo ngược. Sự đảo ngược xã hội trình hiện mạnh mẽ hơn cả vào các vở kịch của Lesage là vai trò của tên hầu. Câu kinh điển sau đây nằm trong Gil Blas: “Nghề làm thằng hầu thì nặng nề, tôi xin thú nhận, đối với một thằng đần; nhưng nghề ấy chỉ tuyền là những duyên dáng đối với một kẻ trí lự. Một thiên tài cao cấp mà ở vào hoàn cảnh đó thì không hùng hục mà làm lụng như một tên ngẫn. Anh ta bước vào một ngôi nhà là để chỉ huy chứ không phải để phục vụ. Mới thoạt tiên anh ta cứu thực về ông chủ anh ta. Anh ta ngả theo các khiếm khuyết của ông chủ, chiếm lấy lòng tin của ông chủ, rồi sau đó thì dắt mũi ông luôn.”

Phòng-tinh (hạt mầm cho chủ nhân mới của nhân loại) là hạng người như vậy. Crispin, nhân vật chính trong một vở kịch khác (nổi tiếng ngang với Tục-ca-lệ) của Lesage cũng thế. Thế giới ấy nằm dưới một biện chứng mạnh, và đấy chính là thực tại. Thế giới chỉ là thế giới khi nó liên tục đảo lộn, và khi thực tại của nó vô cùng khó nắm bắt - chính sự cười lại có thể hữu dụng trong cuộc tìm cách nắm bắt đó.

Lesage, như ở trên đã nói, có thể nhìn trong quy chiếu với Molière (cũng như nhận cảm hứng lớn từ Tây Ban Nha: trên phương diện này, Lesage nằm giữa Corneille và Mérimée, của một truyền thống Tây Ban Nha trong văn chương Pháp - Balzac cũng tham gia một chút, nhất là với cuốn tiểu thuyết bằng thư giữa hai cô gái trẻ), nhưng nếu nhìn nhận toàn diện hơn, nhấn mạnh vào yếu tố comique, thì Lesage là nhân vật ở giữa Scarron và Marivaux. Định vị ấy sẽ có ích khi ta đặt mục đích là xem Nguyễn Văn Vĩnh đi xa đến đâu (vào quá khứ), và đặc biệt nhìn vào những khoảnh khắc nào. Đây là một câu chuyện phong phú, chắc chắn còn có thể mở rộng thêm nhiều nữa.

(Nguồn: Nhị Linh)

popup

Số lượng:

Tổng tiền: