-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
MỞ ĐẦU
Tiện bút là anh em của tùy bút, nhưng đó là một người anh em không rõ mặt, ẩn trốn, gần như vô hình. Khỏi cần nói thêm rằng, so với tùy bút, tiện bút thích đi chơi xa hơn, và cũng hay nghịch dại hơn.
Nó đến với tôi, đột nhiên, vào đúng khoảnh khắc tôi không hề định viết gì. Tắt đi ham muốn (điều đó có thể hay chăng?) dường như là điều kiện, nói chung, cho những sự đến. Vả lại, nếu không rỗng đi được, thì không thể có chỗ chứa. Ban đầu, tôi không thấy rõ nó, nhưng kể cả về sau này, tôi cũng thấy khó mà nói được là mình thấy rõ nó hơn. Thêm nữa, đây không phải là một ý định tạo ra thể loại mới.
TRÍCH ĐOẠN
Một mùa hè
Những năm ấy, ai cũng đi xe đạp, xe đạp được người Hà Nội biến đổi theo nhiều cách thức kỳ quái, vì nó quá quen thuộc nên nó phải bị biến đổi mãnh liệt, rất nhiều yên xe bên dưới nhét vào một quả bóng tennis. Nhưng dẫu đã có đề phòng đến như vậy thì đám yên xe vẫn có tác động không nhỏ: nếu làm được một việc là lột truồng mười phụ nữ từng sống qua quãng thời gian ấy, bắt họ nằm sấp xuống, điều chắc chắn mà ta sẽ thấy là cả mười bộ mông đều in hằn những tác động kỳ quái của cái yên xe đạp. Những chai sần, những biến dạng theo đủ mọi cách, tùy thuộc vào thói quen riêng của từng người khi đạp xe (có người cân bằng, có người lệch sang trái, lại có người lệch sang phải), là một trong những dấu ấn của một thời nghèo nàn Hà Nội để lại trên những bộ mông phụ nữ. Cả tôi nữa, tôi cũng bị tập quán của chính tôi bắt tôi nói đến những bộ mông, thói quen đồng nhất hóa phụ nữ với những bộ mông (sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu đó là khuôn mặt, bàn tay hay cái cổ, nhưng biết làm sao được) đã khiến cho đang định nói tới một cái lưng duy nhất thì tôi lại quành qua bộ mông tập thể.
....
mười năm
Tôi đã đọc rất kỹ Gaston Bachelard, cuốn sách về không khí và giấc mộng; Bachelard theo tôi là người duy nhất không bao giờ giả dối khi nói về các giấc mơ, và cũng vì như vậy, Bachelard có thể hiểu giấc mộng được miêu tả lại nào là vờ vịt, hiểu ngay những giấc mộng nào mới đúng - không phải mọi sản phẩm của trí tưởng tượng đều đáng tin, đó là một quy tắc lớn; Bachelard là một trong số rất ít người thực sự hiểu về giấc mơ: hiểu được về mơ, mộng và mơ mộng ư, đừng mơ.
Một thời gian dài, cứ nhắm mắt bắt đầu ngủ là tôi thấy mình bay; những giấc mộng bay được Bachelard phân tích rất kỹ càng, chẳng hạn ở phương diện: khi mơ thấy mình bay, ta có cánh không? không, không giống như người ta vẫn tưởng đâu, vì đám thiên thần mọc cánh ở lưng, có khác gì lũ lợn sữa hồng hào biến thái?
Leopardi, Blake hay Shelley cũng là những bay, điều này không khó hiểu, vì thơ ca chính là một sự bay vọt lên không trung, chống lại mọi quy luật ngớ ngẩn; một nhà thơ từng miêu tả, nhìn từ trạng thái ấy, khoảng cách ấy, tư thế ấy, một cái cây, chẳng hạn, sẽ thấy một cái cây có rễ biến thành ngọn, các tán lá biến thành rễ.
Có mơ, thì cũng tức là có ngủ; Céline có một quan niệm rất đơn giản về bất hạnh: nhìn chung, ta chẳng bao giờ thực sự biết về bất hạnh của người khác (Proust thì, chẳng bao giờ ta thực sự biết về hạnh phúc của người khác), và chỉ có duy nhất một điều cần biết mà thôi, nếu người đó vẫn ngủ được, thì chẳng có gì là bất hạnh cả, chỉ cần ngủ, mọi thứ còn lại không mấy ý nghĩa.
Ngày ấy, cách đây mười năm, những chuyến bay thẳng không còn là điều quá mới nhưng cũng chưa phải là rất phổ biến; những chuyến bay: trước khi có máy bay, con người đặt khả năng hiện thực hóa những giấc mơ bay của mình vào những thứ tròn tròn, những quả bóng khổng lồ, những khinh khí cầu thực chất là trôi chứ không phải bay, sau khi đã nản chí với các thử nghiệm gắn cánh lên người; thật là một sự ngây ngô ngu ngốc, khi cứ tưởng chim bay được nhờ có cánh, và cố tìm cách bắt chước theo, nhưng chim bay đâu phải vì chúng có cánh?
...
Hương Cảng Lý Thương Ẩn
Buổi tối, tôi đi ra một quảng trường nhỏ rất vắng, tôi ngồi đó, định đọc sách dưới ánh đèn tương đối không tệ, nhưng tôi mau chóng nhận ra mình đã quá sai lầm khi mang theo một nhà văn té ra rất tệ, Arundhati Roy, ít nhất thì không thơm (sau đó tôi mới mua được một quyển của Grass, nhưng bằng tiếng Đức, đọc cũng vất vả, cũng chính từ thời điểm ấy, nếu đi đâu tôi sẽ không mang theo chỉ một tác giả, vậy thì quá mạo hiểm), thế cho nên tôi lôi giấy và bút ra. Tôi ngồi đó, ở một quảng trường nhỏ ánh đèn vàng vọt không có lấy một bóng dáng con người - tôi đã viết gì? tôi hoàn toàn không nhớ, tôi cũng không chắc có thể tìm lại được tập giấy ngày đó hay không, cũng như tìm lại rất nhiều thứ khác tôi từng viết (về các thư viện tôi từng qua, chẳng hạn). Vì không có gì để đọc, tôi viết, phần lớn đều như vậy, chẳng có mục đích gì. Tôi từng nói với một người bạn, gần đây, rằng tôi làm editor, tôi cứ đợi mãi những bản thảo để in, nhưng mãi chẳng thấy, thế cho nên tôi viết.
Tôi nhớ người bạn đã cười. Tôi cũng cười. Chúng ta nhầm lẫn biết bao nhiêu, về mọi thứ. Rời khỏi quảng trường, tôi rơi vào một khu phố đông đúc, rất nhiều người trẻ tuổi. Tôi ngồi nán lại trên một ngõ nhỏ, uống bia với một cậu bé, chắc kém tôi vài tuổi. Đó là một thanh niên Đức vừa xong “Abitur”(1) và đang trên đường đi vòng quanh thế giới. Đó là Wien, rất gần Đức, chắc hẳn là chặng dừng chân đầu tiên của nhân vật ấy. Chắc chàng trai tôi gặp tình cờ đêm đó, trong một tình bằng hữu của sự phiêu bạt lang thang, nảy sinh như từ hư vô, không đến nỗi đen đủi như Felix Krull của Thomas Mann trong một cuộc chu du bị ép uổng.
Người ta viết để sắp xếp lại các suy nghĩ? không, là để thoát khỏi suy nghĩ. Vẫn ở rất sát, nhưng đã bên ngoài.
Người ta cũng viết - như, chẳng hạn Nguyễn Tuân, hay một người có khí chất rất tương đồng (thuộc cùng gia đình tinh thần), Thomas Bernhard - để khỏi phải căm ghét . Viết là để thoát khỏi suy nghĩ, nhưng cũng là để thoát dục vọng. Cũng như ảo tưởng. Đã là phóng chiếu, thì cái gì mà chẳng được (Simone de Beauvoir).
Vấn đề là không phóng chiếu. Định mệnh của con người liên quan đến sự ngu xuẩn: không phải con người có định mệnh là ngu, mà ngược hẳn lại, định mệnh của con người là không thể ngu (Nietzsche: con người bất hạnh vì không thể quên), chính vì thế cho nên homo sapiens, etc. Con người chỉ ngu vì quá khôn, chẳng bao giờ vì bất kỳ cái gì khác. Ngôn ngữ Pháp, một thứ tiếng được làm nên, một phần rất lớn, từ sự irony, gọi sự “ngu” (xuẩn thì đúng hơn) đặc trưng của con người bằng chính từ “bête”, tức là con vật. Một người “bête” hoàn toàn không “stupide” hay “imbécile”, hay “crétin”, hay “sot”, “niais” và “nigaud” (hai từ vừa xong, Balzac đặc biệt thích dùng, ba từ vừa xong thì đúng hơn, nhưng hai từ cuối thì đặc biệt hay phát ra từ các nhân vật nữ) mà sự bêtise lại chính là kết quả của quá nhiều lý trí. Có cố cũng không ngu được đâu mà.
...
(1) Bằng tú tài