-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Mansfield, với cuộc đời ngắn ngủi, không tạo ra một khối lượng đồ sộ các văn bản, và chủ yếu viết truyện ngắn, nhưng đó là một trong những ngôi sao băng có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử văn chương, và sự xuất hiện của văn chương Mansfield trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng tạo ra các chuyển động tinh tế và lâu dài.
Katherine Mansfield, tên thật Kathleen Mansfield Beauchamp, sinh năm 1888 tại Wellington, New Zealand, trong một gia đình khá giả; người cha (Harold Beauchamp) là một thương nhân thành đạt, được trọng vọng tại Wellington. Không cần miêu tả quá rõ thời thơ ấu của Kathleen: rất dễ nhận ra những chi tiết mang tính tiểu sử trong những truyện ngắn lấy bối cảnh New Zealand, như Prelude, At the Bay, The Garden Party… Kathleen cùng các chị em sống sung túc và hưởng một nền giáo dục tương đối đầy đủ tại quê nhà, trước khi được gửi sang London năm 1903 để theo học tại Queen’s College, một trường trung học nữ sinh tân tiến. Đây là một quyết định sẽ khiến ông Beauchamp hối hận về sau; nhưng chính nhờ nó, định mệnh của Kathleen Beauchamp đã hoàn toàn thay đổi. Trong ba năm ở London, Katherine dần khai phá năng khiếu văn chương, và đồng thời, tính hướng, của bản thân. Vốn yêu thích nghệ thuật, đặc biệt say mê cello và sách, sự viết đến với Katherine không thể tự nhiên hơn. Vài truyện ngắn đầu tay, chịu nhiều ảnh hưởng của Dickens và Wilde, được chọn đăng báo trường (ví dụ: A Happy Christmas Eve). Những tiềm năng được khai mở tại London, ý tưởng về cuộc đời tự do, không câu thúc và viết - như một sự nghiệp, khiến cuộc trở về Wellington và đời sống giao tế quanh quẩn ở vùng đất “rìa” này trở nên khó bề chịu đựng với cô gái trẻ. Katherine dùng hết sức thuyết phục cha mẹ cho phép quay lại London, và sau nhiều đấu tranh, ngày 06/7/1908, Katherine Mansfield lần thứ hai rời Wellington, cho tới vĩnh viễn.
Sự chật chội và mất kết nối ở New Zealand, cuộc sống lạc lõng trong gia đình bourgeois, kiểu cách khiến Katherine cồn cào mong thoát khỏi chừng nào, thì về sau, mảnh đất cùng những con người đã bị bỏ lại phía sau lại hiện diện trong phong thái và văn chương của Mansfield đậm nét chừng ấy. Ký ức về cảnh sắc, phong thổ, con người, đặc biệt là thời thơ ấu ở Wellington xuất hiện xuyên suốt sự nghiệp Mansfield, làm nền cho những truyện ngắn đầu tay rồi trở thành theme của các tác phẩm quan trọng nhất, như Prelude, At the Bay, The Garden Party… Sau cái chết của người em trai duy nhất trong Thế chiến thứ nhất, quê nhà và ký ức tuổi thơ trở nên ám ảnh, nhen lên trong Mansfield mong muốn đặt chân lại về vùng đất mình đã nhất quyết rời xa. Thế nhưng, cho đến khi qua đời, Mansfield chỉ có thể thấy New Zealand trong hồi ức.
Năm 1908, trở lại London, với tiền sinh hoạt hằng tháng do gia đình chu cấp chỉ đủ sống, Katherine Mansfield vẫn chưa thực sự bước vào con đường viết văn - như một nghề nghiệp - dù đã lập chí theo đuổi văn chương và có một vài truyện ngắn được đăng báo ở New Zealand. Bù lại, với sức hút và phẩm chất nghệ sĩ của mình, Katherine trở thành nhân vật được mến mộ tại nhiều cuộc giao tế, trải qua nhiều phiêu lưu tình ái mà hệ quả không mong nhất là cái thai (với một nhạc công thanh mai trúc mã) không được thừa nhận, dẫn tới cuộc hôn nhân chóng vánh với một thầy dạy nhạc mới gặp đôi lần, năm 1909. Ngay trong đêm tân hôn, Katherine bỏ người chồng mới cưới để đến với Ida Baker, bạn gái thời nữ sinh, người “vợ” sẽ đi cùng Mansfield tới cuối đời. Vụ việc rúng động ấy lan về tận New Zealand, khiến nhà Beauchamp không thể làm ngơ. Trong dịp hiếm hoi thể hiện vai trò làm mẹ, Annie Beauchamp thân chinh sang London, tách Katherine khỏi Ida và đưa tới Bad Worishofen (một thị trấn nghỉ dưỡng vùng Bavaria, nổi tiếng với những nhà nghỉ và spa trị liệu), để Katherine một mình lại đó rồi trở về New Zealand, cắt ngay đứa con gái phóng túng khỏi danh sách thừa kế. Không khó đoán ra, nơi này đã tạo cảm hứng cho Mansfield khởi thảo những truyện ngắn lấy bối cảnh nhà nghỉ Đức, trong năm 1910 sẽ xuất hiện trên The New Age, tạp chí văn chương do Alfred Richard Orage chủ biên. Khả năng quan sát vừa bao trùm vừa chi tiết, trí nhớ và óc hài hước sắc sảo khiến những truyện ngắn về nhà nghỉ Đức cân bằng giữa tính chân thực và sự phóng đại mỉa mai. Nhưng Bad Worishofen có ý nghĩa nhiều hơn thế. Ở đó, Mansfield sảy thai: đó là lần cuối Katherine có cơ hội làm mẹ; cũng ở đó, Mansfield gặp một người tình Ba Lan, kẻ mang tới vô vàn rắc rối, bao gồm thứ bệnh lậu gây nhiều đau đớn và vô sinh, cùng một tác giả người Nga mà tên tuổi Mansfield sẽ vĩnh viễn gắn liền, theo một cách không hẳn tích cực: Chekhov. The Child who was tired được cho là sự bắt chước trắng trợn Sleepy của Chekhov, hoặc nhẹ nhàng hơn, là cách Mansfield diễn giải lại truyện ngắn này. Dẫu sao, ở thời điểm ấy, Chekhov chưa được biết tới nhiều tại Anh, và năm 1911, In a German Pension ra mắt, ngay lập tức đem lại tiếng tăm (và thu nhập) cho Katherine Mansfield. Lúc này, Katherine 23 tuổi.
Năm 1920, Bliss and other stories được xuất bản, gây tiếng vang lớn và nhận về nhiều tán thưởng từ giới phê bình. Mansfield không thể tận hưởng danh tiếng ấy: sức khỏe của Mansfield suy sút trầm trọng, bắt đầu chuỗi ngày chạy chữa, thử nhiều loại phương pháp chữa bệnh, không chút thành công. Sự lao lực, kiệt quệ không khiến Mansfield ngừng viết. Năm 1922, The Garden Party and other stories, tập truyện thứ ba và cũng là cuối cùng khi Mansfield còn sống, tiếp tục gặt hái thành công tại Anh, trong khi Mansfield kiệt lực với liệu pháp X-quang tại Paris.
Cuối năm 1922, Mansfield quyết định thử phương pháp trị liệu của Gurdjieff: lưu trú tại Viện Phát triển Hài hòa Con người cùng những người bệnh khác (phần lớn là người Nga), lao động chân tay như một cách để lập lại cân bằng cho cơ thể, giúp cơ thể tự chữa lành.
Cơn xuất huyết sau cùng khiến Katherine Mansfield vĩnh viễn nằm lại Fontainebleau, ngày 9/1/1923.
Cuộc đời, tác phẩm của Katherine Mansfield vậy là đã ở đó, toàn bộ; nhưng dường như mặt nạ của Mansfield vẫn đó, không ai có thể gỡ xuống: mọi thú vị, tinh quái, nhiệt thành, rung cảm, yếu ớt, mê say, những ham muốn, hy vọng, cả sự châm biếm không tha chính mình… tất thảy, đều ẩn sau một diện mục tuyệt đối thờ ơ. Một chiếc mặt nạ không vì bất cứ ai mà rơi xuống.
Chi Quân
* Đọc cả bài: Mặt nạ mãi không rơi