-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Sài Gòn của con sông
10/07/2022
SÁCH CHO MÙA HÈ
Chiều Sài Gòn còn chưa dứt mưa, nhắn dở cho bạn cái tin “Đã đi nghỉ mát…”, chưa kịp gửi, đã thấy bạn kéo hành lý đến nhà, gõ cửa…
Kể với nhau đi du lịch đến đâu, hành trình mới bắt đầu hay quá nửa, chạy đến Đà Nẵng quay đầu hay hẳn đến Sài Gòn, hoặc bạn dành mùa hè cho bản thân mình, sáng tưới cây, chiều đi bơi, tối nhậu?
Lỡ đến thăm rồi, thôi ngồi nghe mình kể chuyện vài cuốn sách. Sách mà bạn có thể nhấm nháp trên chuyến tàu đến thành phố lạ. Một cuốn sách để bạn nằm ễnh ương nhâm nhi trên chiếc võng vắt ngoài hiên buổi trưa hè.
Để chuyện sách cho mình chuyến du lịch song hành thực tại.
_______
Quyển một - Kỳ 1: Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc
Sài Gòn ngược về thời Bình Nguyên Lộc còn thở và còn viết, là đất non choẹt về lịch sử, “cây, lá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người.”
Gã bước lang thang đi tìm căn cước cho thành phố mình yêu, trong lòng người sống và người chết, trong những âm thanh hỗn tạp và những chuyển động chẳng dừng.
Ở Sài Gòn, hỏi đường ra sông Ông Lãnh, Người Chỉ Đường ờ ờ, dễ kiếm thấy mồ, đi thẳng riết đường nọ đụng cái quán nhậu kia quẹo phải chỗ cột điện đó, đi hoài ra đường to nhứt chạy cặp bờ kinh, là nó.
Người Hỏi Đường cười cảm ơn rồi vù chạy.
Người Chỉ Đường gật gù hài lòng. Nửa ngày sau mới ngờ ngợ, ủa, mình có cầu Ông Lãnh, chứ hắn hỏi sông Ông Lãnh là sông nào ta? Sông Sài Gòn, mà khúc nào? Chắc ngang khúc cầu Ông Lãnh chứ gì? Hay kênh Lò Gốm, hay rạch Ụ Cây, rạch Ruột Ngựa, rạch Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ?
Giải thích vầy cho Người Chỉ Đường khỏi mất ngủ,
“Tây đặt cho nó cái tên rất ngây ngô là "Rạch Cắc chú" (Arroyo chinois).
Tôi muốn ít lắm nó cũng được gọi là Lạch Bến Nghé cho dễ nghe và cho gợi ý.
Có người kêu nó là kênh Tàu Hủ.
Nhưng mấy anh bạn ghe thương hồ kêu nó là Rạch Ông Lãnh, hay Sông Ông Lãnh. Tên sau đây có lẽ là tên vĩnh viễn của nó bởi vì đó là cái tên của dân chúng đặt ra, chớ không phải của tác giả của một quyển địa dư nào hết.”
Ý là địa danh Bình Nguyên Lộc đang kể lể, Google Map hắn gọi là “kênh Tàu Hủ", nhưng với ông, kệ Google, cái tên giang hồ họ đặt, mới xứng đáng là tên vĩnh viễn.
Thử nghe gã Bình Nguyên Lộc ngẫm ngợi về khúc sông 70 năm trước, rồi 70 năm sau, một ngày 2022, ta phóng xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt, nhận ra danh tính Sài Gòn của mình được sông ôm ấp gìn giữ bấy lâu mà không biết.
“Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất, (cái bụng của Sàigòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú.
Có ai nhìn thấy đám ghe thương hồ ấy chưa, nhứt là vào lúc chiều tối khi các hoạt động kinh tế đã chấm dứt ?
Một người bạn ghe nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoan thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ.
Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Đồng Nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây.
Con sông đặc biệt Á Đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.
Nên chi, đi xa mười năm, vẫn nhớ Sàigòn. Không nhớ những phố lớn, nhà cao, vô vị vì giống phố nhà nơi khác, mà nhớ con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẩm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lỏng vào thành phố. Chị nhà quê nầy chỉ tìm lại được sự dễ chịu khi qua khỏi Xóm Củi, Bình Đông, về tới ruộng lầy, với thiên nhiên, về giữa không khí riêng của chị.
Sông con ơi, Sàigòn làm đỏm làm dáng mà ngươi vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho ngươi dễ thương biết bao.”
(Sông Ông Lãnh - Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc, Xuất bản lần đầu năm 1952)
DEMEDI
______
(Quyển hai - Kỳ tiếp theo: Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối - Patrick Modiano)