Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc
- 25%

Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc
60.750₫ 81.000₫
Công ty phát hành DT Books
Ngày xuất bản 2017-10-20 00:00:00
Kích thước

14 x 20.5 cm

Loại bìa Bìa mềm
Số trang 168
Gọi đặt mua: 0902711894

Sài Gòn ngược về thời Bình Nguyên Lộc còn thở và còn viết, là đất non choẹt về lịch sử, “cây, lá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người.”

Gã bước lang thang đi tìm căn cước cho thành phố mình yêu, trong lòng người sống và người chết, trong những âm thanh hỗn tạp và những chuyển động chẳng dừng.

Ở Sài Gòn, hỏi đường ra sông Ông Lãnh, Người Chỉ Đường ờ ờ, dễ kiếm thấy mồ, đi thẳng riết đường nọ đụng cái quán nhậu kia quẹo phải chỗ cột điện đó, đi hoài ra đường to nhứt chạy cặp bờ kinh, là nó.

Người Hỏi Đường cười cảm ơn rồi vù chạy.

Người Chỉ Đường gật gù hài lòng. Nửa ngày sau mới ngờ ngợ, ủa, mình có cầu Ông Lãnh, chứ hắn hỏi sông Ông Lãnh là sông nào ta? Sông Sài Gòn, mà khúc nào? Chắc ngang khúc cầu Ông Lãnh chứ gì? Hay kênh Lò Gốm, hay rạch Ụ Cây, rạch Ruột Ngựa, rạch Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ?

Giải thích vầy cho Người Chỉ Đường khỏi mất ngủ,

“Tây đặt cho nó cái tên rất ngây ngô là "Rạch Cắc chú" (Arroyo chinois).

Tôi muốn ít lắm nó cũng được gọi là Lạch Bến Nghé cho dễ nghe và cho gợi ý.

Có người kêu nó là kênh Tàu Hủ.

Nhưng mấy anh bạn ghe thương hồ kêu nó là Rạch Ông Lãnh, hay Sông Ông Lãnh. Tên sau đây có lẽ là tên vĩnh viễn của nó bởi vì đó là cái tên của dân chúng đặt ra, chớ không phải của tác giả của một quyển địa dư nào hết.”

Ý là địa danh Bình Nguyên Lộc đang kể lể, Google Map hắn gọi là “kênh Tàu Hủ", nhưng với ông, kệ Google, cái tên giang hồ họ đặt, mới xứng đáng là tên vĩnh viễn.

Thử nghe gã Bình Nguyên Lộc ngẫm ngợi về khúc sông 70 năm trước, rồi 70 năm sau, một ngày 2022, ta phóng xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt, nhận ra danh tính Sài Gòn của mình được sông ôm ấp gìn giữ bấy lâu mà không biết.

“Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất, (cái bụng của Sàigòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú.

Có ai nhìn thấy đám ghe thương hồ ấy chưa, nhứt là vào lúc chiều tối khi các hoạt động kinh tế đã chấm dứt ?

Một người bạn ghe nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoan thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ.

Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Đồng Nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây.

Con sông đặc biệt Á Đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.

Nên chi, đi xa mười năm, vẫn nhớ Sàigòn. Không nhớ những phố lớn, nhà cao, vô vị vì giống phố nhà nơi khác, mà nhớ con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẩm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lỏng vào thành phố. Chị nhà quê nầy chỉ tìm lại được sự dễ chịu khi qua khỏi Xóm Củi, Bình Đông, về tới ruộng lầy, với thiên nhiên, về giữa không khí riêng của chị.

Sông con ơi, Sàigòn làm đỏm làm dáng mà ngươi vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho ngươi dễ thương biết bao.”

------------

Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc là cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1966, sách in 658 quyển, nhà xuất bản Thịnh Ký (Sài Gòn) ấn hành. Theo như “Mấy lời nói đầu” của nhà xuất bản, Bình Nguyên Lộc viết thiên điều tra dài có tên gọi “Thám hiểm đô thành”, phóng sự này chia làm hai phần: Phần thứ nhất cho đăng báo hằng ngày, kể những chuyện lạ ở Sài Gòn, có tính cách xã hội, “giựt gân” như “Ma Máy đá”, “Người chuột cống”… Phần này tác giả không muốn in thành sách; Phần thứ hai tác giả cho đăng riêng ở các tạp chí: Nhân loại, Thời trân, Sáng tạo, Tiểu thuyết tuần san, Buổi sáng, Nghệ thuật… Những bài tạp bút này sau đó được gom lại để in thành cuốn Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc với một lưu ý nhỏ: không bao giờ tái bản.

Năm 1999, cuốn sách được nhà xuất bản Trẻ (TP. Hồ Chí Minh) tái bản với “Lời giới thiệu” của nhà văn Sơn Nam. Năm 2002, cuốn sách được nhà xuất bản Kim Đồng (Hà Nội) tái bản với tựa Những bước lang thang. Đến năm 2012, cuốn sách lại được nhà xuất bản Trẻ (TP. Hồ Chí Minh) tái bản, in chung trong tuyển Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc (tủ sách Mỗi nhà văn, Một tác phẩm), gồm 3 truyện: Ký thác, Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc và Cuống rún chia lìa.

Cũng như những lần tái bản trước, ấn bản Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc do công ty Sách Dân Trí (DTBooks) ấn hành tháng 10/2017 cũng “ngoài ý muốn khiêm tốn của tác giả”.
Chúng tôi, những thị dân bình thường, đang bắt tay triển khai tủ sách Ký ức Sài Gòn nhằm giới thiệu lại một Sài Gòn đa diện, một Sài Gòn chỉ còn trong trí nhớ. Nghĩ về Sài Gòn, chúng tôi nghĩ ngay đến nhà văn Nam bộ Bình Nguyên Lộc, đến Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc - tập tạp bút ghi lại hồn cốt của Sài Gòn xưa bằng ngôn ngữ rặt Nam bộ, lối viết duyên dáng nhẹ nhàng và đầy hóm hỉnh của ông.

Ở lần tái bản này, sử dụng bản in đầu tiên năm 1966 của nhà xuất bản Thịnh Ký làm bản nền. Chúng tôi có chỉnh sửa một số lỗi liệt kê ở phần Cải chính trong nguyên bản, chỉnh sửa một số lỗi ấn loát, còn lại tôn trọng giữ nguyên. Để tiện cho bạn đọc theo dõi, chúng tôi có bổ sung một số chú thích cần thiết: 1) chú thích một số từ cũ, phương ngữ, ví dụ: thương hồ, nê địa, khẩm (khẳm) lừ, trạo phu, cà ràng, ông che (dụng cụ ép mía), mủng vùa, xẳng lè, khứng, chưởng khế (nô-te), sợ rông, yên sĩ, tiền tửng, xu, lúi…; 2) đối chiếu và chú thích về địa danh và nhân danh, ví dụ: đường La Grandière thời Pháp nay là Lý Tự Trọng; đường Bangkok nay là đường Mạc Đĩnh Chi… Ngoài ra, để cuốn sách sinh động hơn, chúng tôi có đưa vào 28 tấm ảnh Sài Gòn xưa, những tấm ảnh này được in màu.

Sau cuốn sách này, tủ sách Ký ức Sài Gòn sẽ lần lượt giới thiệu đến độc giả một số ấn phẩm khác: Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa (tác giả: Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn), Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1945 (tác giả: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp), Sài Côn [Gòn] số sự (tác giả: Nhà nghiên cứu Bằng Giang), Tổ chức thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc (1860-1954) (tác giả: Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn)…
Công ty Sách Dân Trí trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7-3-1914 tại làng Tân Uyên, Biên Hòa, Ðồng Nai. Ông là một nhà văn lớn, nhà văn hóa Nam bộ giai đoạn 1945-1975; tác giả của hơn 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và 4 công trình nghiên cứu…

Từ năm 1919-1920 ông theo học chữ nho với một ông đồ trong làng. Sau đó ông học tiểu học ở Tân Uyên vào những năm 1921-1927. Năm 1928 ông ở nhà luyện Pháp văn để thi vào Trung học (Enseignement primaire supérieur) Pétrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn, rồi từ 1929-1933 ông theo học trung học này và đậu bằng Thành Chung (Diplôme d´Études Primaires Supérieures) vào năm 1933.
Rời trường Pétrus Ký ông thi vào ngạch thơ ký hành chánh. Ông phục vụ tại Kho Bạc Thủ Dầu Một, sau đó thuyên chuyển xuống Kho Bạc Sài Gòn, sau này được cải danh là Tổng Ngân Khố.
Tản cư về quê năm 1945, Bình Nguyên Lộc hồi cư về quận Lái Thiêu tỉnh Thủ Dầu Một vào cuối năm 1946, ba năm sau ông xuống Sài Gòn và cư ngụ hẳn ở đó tới năm 1985. Tháng 10 năm 1985, ông sang Mỹ định cư và từ trần ở đó ngày 7-3-1987.  Ông được an táng ngày 14-3-1987 tại nghĩa trang Sunset Lawn.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: