Lịch sử ngắn văn chương Đức

György Lukács
126.000₫
Công ty phát hành Hộp
Ngày xuất bản 2022
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 240
Nhà xuất bản Nhà Xuất BảnTri Thức
Dịch Giả Cao Việt Dũng
Số lượng
Gọi đặt mua: 0902711894

Tựa (cho ấn bản Pháp)

Tôi nghĩ là cần thiết - ít nhất cho một số độc giá - việc trình bày những lý do thúc đẩy chúng tôi, ngày hôm nay, giới thiệu với họ một cuốn sách lịch sử về văn chương Đức. Chắc hẳn có nhiều người, vì muốn xóa bó hoàn toàn khỏi ký ức họ, cũng như từ ký ức của dân tộc họ, những kỉ niệm kinh hãi và gây nhiều nhục nhã về những năm vừa qua (*), cho rằng cách thức tốt hơn cả nhằm đạt được cái đích ấy là không quan tâm gì nữa tới văn hóa Đức, nhổ bật nó đi khỏi ý thức quốc gia.

Có khả năng là không cần thiết - ít nhất đối với phần lớn các trí thức - việc ra sức đặc biệt chiến đấu chống lại dạng ý thức này. Dường hết sức hiển nhiên cho bất kỳ người nào có ý thức, rằng ngày nay cần phải nghiên cứu, có lẽ với nhiều nghiêm túc hơn bao giờ hết, các hiệu ứng của văn hóa Đức, dẫu có đánh giá nó như thế nào. Người ta càng muốn chiến đấu chống lại nó và vượt qua nó, thì lại càng quan trọng hơn, việc biết nó. Nhưng cũng có một nhìn nhận khác: không ai, ngày hôm nay, có thể thấy trước tiến hóa chính trị và văn hóa của Trung Âu. Không ai có thể biết ngay từ hôm nay, rằng sẽ có hay chăng trong cuộc sống của dân tộc Đức một sự khởi sinh dân chủ sâu sắc và được sở nghiệm theo lối thực, hay tiến hóa sẽ giữ, dưới một hình thức mới, định hướng phản động cũ; trong giả thuyết thứ hai, lẽ dĩ nhiên rất khó thấy trước đâu sẽ là bản tính và tầm của ảnh hưởng nơi ý luận đó lên những nước khác. Trong sự bất khả loại trừ khả năng về một sự gặp đầy gay cấn với văn hóa Đức, một hiểu biết và một ước lượng chuẩn xác về văn chương đất nước ấy, như vậy, vẫn là cần thiết. Thế nhưng, mọi xét đoán mới - mấy thập kỷ vừa qua đã dạy cho chúng ta điều đó - đều hàm ý một đảo lộn của các giá trị. Ngày hôm nay điều này gần như ai cũng cảm thấy. Tuy nhiên cần phải e ngại rằng sự đảo lộn các giá trị ấy xảy ra theo một cách thức cơ học, sơ lược và chung chung. Tương tự ở một số điều kiện chính trị và xã hội, một số lượng lớn trí thức nhìn chung đã đánh giá quá cao văn hóa và văn chương Đức, cũng vậy, ngày hôm nay họ lại có xu hướng đánh giá nó quá thấp, nếu chẳng phải là vứt bỏ nó hoàn toàn.

Thế nhưng, không gì sai và nguy hiểm cho suy nghĩ và hành động hơn so với nhắm đến một quốc gia như một nhất thể đồng chất, dẫu cho là về cấu trúc xã hội hiện nay hay về tiến hóa đã qua của nó. Chính một quan điểm như thế, trong “Kulturphilosophie” của chủ nghĩa phát xít, là thứ đã làm sụp đổ tinh thần khoa học lối hiệu quả nhất; nó đã gây những tàn phá bằng cách khiến nhìn nhận, nhờ vào các lý thuyết chủng tộc, các quốc gia cùng các văn hóa quốc gia như những nhất thể đồng chất và về nguyên tắc, bất động.

Mọi viễn kiến cấp tiến về thế giới và đặc biệt là mác xít biết, ngược lại, rằng không tồn tại văn hóa nào không phải là kết quả vô cùng phức tạp của đấu tranh giữa các lực xã hội đối nghịch, của sự va đụng những dòng văn hóa cấp tiến và phản động. Như vậy, nếu văn hóa và văn chương Đức phải, trong ánh sáng của những kinh nghiệm của thời đại gần đây hơn cả, được nhìn nhận lại và đánh giá khác đi, thì nền tảng về mặt phương pháp của sự đánh giá đó phải đặt trên hiểu biết về đấu tranh thực và cụ thể giữa các lực cấp tiến và phản động, trên nghiên cứu những đoạn cụ thể của cuộc đấu tranh ấy cùng tiến hóa thực của nó. Kinh nghiệm về thời kỳ Hitler buộc mọi con người có ý thức phải xem lại những đánh giá của mình về tiến hóa của hai khuynh hướng chính yếu kia nơi văn hóa Đức. Nhưng chỉ một sự xem lại thực sự cụ thể, đ8ạt cơ sở trên một nền móng lịch sử thực, mới cho phép hiểu bằng cách nào nước Đức, vốn dĩ, từ Lessing tới Goethe, từ Hegel cho đến Heine và Marx, từng là một trung tâm châu Âu về suy nghĩ và nghệ thuật cấp tiến, đã trở nên, cùng Schopenhauer và Nietzsche, trung tâm ý luận của sự phản động thế giới và về sau, với việc Hitler lên nắm quyền, kẻ thù nguy hiểm nhất và mọi rợ nhất, tính tới giờ, của văn hóa phổ quát.

Muốn xem lại những đánh giá về tiến hóa Đức như vậy, chúng ta phải đấu tranh chống lại hai vị thế cực điểm sai như nhau: vị thế thứ nhất khẳng định rằng chẳng gì từng thay đổi ở cốt yếu trong những điều liên quan đến yếu tính của văn hóa và nhất là của văn hóa Đức cũ. Cái từng đẹp một cách nghệ thuật, cao một cách ý luận, thì vẫn vậy. Quãng Hitler đã là một giai đoạn khủng khiếp nhưng thoáng qua, không được quá nhấn vào đó và cần phải sốt sắng mà quên đi, càng chóng càng tốt, khi vấn đề là xem xét văn chương. Trong ánh sáng từ các ý mà chúng tôi vừa phác họa, cách thức nhắm tới các vật này chắc hẳn sai một cách sâu sắc; quãng Hitler đã không phải là một giai đoạn thoáng qua và hời hợt trong sự sống của dân tộc Đức, mà là thắng lợi bùng nổ của các khuynh hướng phản động từ đã hơn một thế kỷ tìm cách trồi lên trên bề mặt và áp đặt lên văn hóa Đức. Ngay việc suy nghĩ của Đức từng khởi đầu sớm hơn nhiều với Schopenhauer và Nietzsche - những ông tổ tinh thần lớn của chủ nghĩa phát xít - trong chuyện đảm trách hướng ý luận của sự phản động châu Âu, hẳn đã phải ngăn cản chúng ta thấy ở quãng Hitler chỉ đơn thuần một giai đoạn thoáng qua. Vậy nên cần nhìn nhận lại và giải thích một lần nữa thời kỳ cấp tiến lớn của văn hóa và của văn chương Đức, cũng như việc chúng rời xa khỏi con đường của tiến bộ và tính cách về tổng thể là phản động của tiến hóa nơi chúng.

Vị thế thứ hai, hoàn toàn đối lập với vị thế thứ nhất, cũng sai ngang bằng và thậm chí có lẽ còn hơn. Ở giữa những cơn bão của Thế chiến thứ hai, trong khi dường “trật tự mới” của Hitler sắp biến toàn châu Âu thành một sa mạc và một nhà tù, người ta có thể hiểu theo lối chủ quan rằng nhiều người thấy nơi mỗi người Đức một tên phát xít; và điều đó lại càng đúng hơn vì trong suốt giai đoạn Hitler chẳng một chuyển động cách mạng nào được biểu lộ bên trong dân tộc Đức. Nhưng ngay cả nếu người ta có thể hiểu được quan điểm ấy, lúc nó được áp dụng vào hiện tại, thì nó cũng vẫn trở nên hoàn toàn sai ngay khi người ta phóng nó vào quá khứ và khi người ta thấy, lúc đó, tại mọi giây phút của lịch sử Đức, từ những quãng xa xưa nhất cho đến thời chúng ta, sự chuẩn bị cho chủ nghĩa phát xít, khi dựa vào các trích dẫn lỏng khỏng, người ta biến những người lớn nhất và cấp tiến nhất trong số các nhà văn Đức thành đám phản động rõ rành. Một hình dung như thế cũng chối bỏ, dẫu là ở hướng ngược lại, bước ngoặt cụ thể của tiến hóa quốc gia Đức, số phận quốc gia đích thực của nó.

Chắc chắn, thế giới văn chương biết tới, đã từ lâu, sự đối lập giữa nước Đức cũ và mới. Chủ yếu là các nhà phê bình Anglo-Saxon từng, ngay trong Thế chiến thứ nhất, đặt đối lập Weimar của Goethe với nước Phổ của nhà Hohenzollern. Nhưng, như cuốn sách của chúng tôi sẽ chỉ ra, đối lập này, cho quá khứ, là một sơ đồ trừu tượng, còn cho hiện tại và tương tai, một phi lai trống rỗng; nhất là lúc người ta nối sự vị ấy, như nhiều trong số những nhà phê bình Anglo-Saxon kia từng làm, vào với đòi hỏi hay niềm hy vọng về một quay trở lại của dân tộc Đức khỏi định hướng Potsdam, về định hướng Weimar. Lịch sử không biết đến các quay trở ngược như vậy. Văn hóa của Weimar từng là sản phẩm của các hoàn cảnh kinh tế, xã hội và chính trị cụ thể; nó đã bị phá hủy bởi tiến hóa sau đó của cùng những hoàn cảnh ấy. Thật là một giấc mơ viển vông, khi hy vọng rằng ngày hôm nay, vào giai đoạn chủ nghĩa tư bản đế quốc, văn hóa Đức có thể tìm lại được một trình độ tiến hóa dựa chính trên tính cách lạc hậu về kinh tế và xã hội của đất nước.

Phác họa của chúng tôi đặt đối lập với những hình dung ấy khía cạnh cụ thể của tiến hóa Đức. Bằng cách đặt vào trung tâm những nhìn nhận của nó sự tranh đấu giữa tinh thần cấp tiến và tinh thần phản động, ở vẻ ngoài thì nó làm một điều rất đơn giản và hiển nhiên. Nhưng trên thực tế, bằng cách nào đó nó khiến một nguyên tắc lịch sử, cho tới giờ bị lơ là, nổi hẳn lên. Và điều này cho phép hiểu rằng cú bật văn hóa lớn của thời kỳ từ Lessing đến Heine và Marx, đã là sự chuẩn bị về ý luận cho cách mạng dân chủ mà tình hình kinh tế và xã hội của nước Đức từng đòi hỏi. Theo hướng này, nó là sự tiếp nối và tương ứng lịch sử của “ánh sáng” Pháp và của tương quan giữa ánh sáng và Cách mạng lớn 1789.

Tương ứng này, tất nhiên, được biến đổi theo một cách thức nền tảng bởi các điều kiện lịch sử cụ thể. Nhất là văn chương Đức đã trở nên, uới tất tật những hệ quả về ý luận mà điều đó hàm ý, cùng thời với Cách mạng Pháp lớn từ lâu trước khi cuộc sống xã hội Đức đủ chín, dẫu chỉ là cho một toan tính về cách mạng dân chủ. Từ đó mà các dòng lãng mạn phản động được khơi lên bởi Cách mạng Pháp lớn từng có tại Đức trong thời kỳ chuẩn bị cho cách mạng một ảnh hưởng rất lớn, trái ngược với những gì đã diễn ra ở Pháp nơi các dòng thuộc dạng ấy này được biểu lộ lối hữu cơ sau Cách mạng với tư cách những phản ứng chống lại thắng lợi của nó. Tức là, khác biệt nền tảng nằm trong việc Cách mạng Pháp đã chiến thắng và đã thay đổi tận căn cơ cấu trúc xã hội của dân tộc Pháp, trong khi cách mạng năm 1848 tại Đức đã kết thúc bằng một thất bại, và chế độ Bismarck đã hiện thực hóa di sản của nó bằng một con đường phản động: nhất thể quốc gia Đức. Điều này có nghĩa, ngoài nhiều chuyện khác, rằng toàn bộ văn chương ấy, mà nội dung xã hội chính yếu từng là sự chuẩn bị về tinh thần và luân lý cho cách mạng dân chủ, té ra lại là một đà đã không được tiếp tục bằng một cú nhảy vọt thực. Sự thiếu các rễ của văn chương cổ điểm Đức nơi nước Đức về sau, cùng tính cách hỗn tạp sân sắc của các truyền thống văn chương của văn hóa Đức trong tương quan với những truyền thống văn chương của văn hóa Pháp chỉ là hệ quả của tình hình đó. Mặt khác, một văn chương hoàn toàn mới, tương ứng với những điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị mới, đã bắt đầu phát triển tại Reich do Bismarck tạo ra. Tương quan của các lực giữa những khuynh hướng cấp tiến và phản động lúc đó đã được biến đổi triệt để. Chính trong đoạn chuẩn bị cho thời kỳ đó bắt đầu ảnh hưởng phổ quát của triết học Schopenhauer. Về phần bản thân thời kỳ mới, nó được đặc trưng hóa bởi ưu thế có tính cách phản động trong suy nghĩ của Nietzsche.

Một hình dung cụ thể như thế về lịch sử văn chương Đức dẫn, hết sức tự nhiên, tới chỗ phân biệt rõ trong tiến hóa của nó hai thời kỳ lớn. Chiến tranh 1870 đã tạo ra, ngay cả trên bình diện văn chương, một nước Đức mới. Chính vì vậy tôi đã chia, trong cuốn sách này, lịch sử văn chương Đức hiện đại thành hai phần rõ rệt và tự trị một cách tương đối. Hẳn lẽ dĩ nhiên người ta có thể bàn về vị trí của đường phân cách. Chiến tranh 1870 trên bình diện thuần lịch sử và xã hội cùng sự thành lập Reich của Bismarck lập dựng biên giới giữa văn chương mới và cũ. Nhưng hai mươi năm đầu tiên của thời kỳ này trình hiện cho văn chương Đức một trống rỗng hoàn toàn. Trong thời kỳ ấy, văn chương duy nhất xứng được nhìn nhận được tạo ra bởi những nhà văn mà nhân cách đã được hình thành từ trước khi Reich thành lập.

Văn chương đúng nghĩa của nước Đức mới chỉ xuất hiện quanh hồi 1880 để rồi tự khẳng định vào thời kỳ Bismarck xuống, song song với thắng lợi chính trị của những nét đặc trưng cho đế quốc Đức. Chính vì vậy tôi đã phải quyết định chọn thời điểm cuối quãng 1880-90 làm biên giới giữa hai thời kỳ này của tiến hóa văn chương. Như vẫn vậy, trong cuộc sống uà trong lịch sử, các giới hạn ấy lẽ dĩ nhiên không định ra những ngày hay những năm. Như vậy, thời kỳ từ 1870 tới 1890, cái thời kỳ trong đó không mấy nhất thiết việc nhắc đến các nhà văn sinh hoặc trưởng thành ở quãng ấy, được phân tích hai lần trong sách của chúng tôi, trước hết ở tư cách suy tàn dần dà của thời kỳ cũ, rồi như khởi đầu của văn chương thời kỳ đế quốc.

Vậy nên tôi giới thiệu với độc giả, dưới hình thức hiện nay của nó, phác họa ngắn này, với hy vọng vạch được ra những đường chính yếu trong phát triển của cuộc sống Đức. Sự phân chia phát triển đó thành hai phần, điều với tôi là hợp lý, có lẽ không bày ra, trong một lịch sử chi tiết về văn chương Đức, một hình thức cũng tường minh và có tính cách cấu trúc như thế. Bởi lúc đó hẳn sẽ có thể chỉ ra, nhờ một phân tích cụ thể, tất tật những yếu tố trung gian, cùng lúc trong sự liên tục và đứt đoạn của chúng.

Trong phác thảo của chúng tôi, sự đặt cho nổi hẳn lên về cấu trúc của ý chính yếu là không thể tránh. Và điều này lại càng đúng hơn vì mục đích của chúng tôi là tới được một đảo lộn các giá trị trong sự hiểu tiến hóa văn chương đó. Thế nhưng điều này đặt ra các vấn đề khác về phương pháp và phân tích khi chuyện là thời kỳ đế quốc, nó từng là nguồn tức thì cho hai cuộc thế chiến và cho chủ nghĩa phát xít, hoặc lúc vấn đề nằm ở thời kỳ Lessing tới Keller. Vì những lý do đã chỉ ra, thời kỳ thứ hai ấy chủ yếu hiện ra với chúng ta dưới hình thức lịch sử và xa xôi của quá khứ. Người ta có thể tiếc sự biến mất ấy vào trong quá khứ, thấy ở đó, giống tác giả, một chỗ yếu của văn chương Đức, một sự thiếu của những truyền thống dân chủ, nhưng không đánh giá nào loại trừ đi được chuyện, thời kỳ ấy về mặt lịch sử đã bị loại khỏi địa hạt của thời sự tức thì và của các quyết định hằng ngày.

Tôi phân tích một cách biệt lập trong phần nhập đề của mỗi thời kỳ các vấn đề phương pháp đặt ra bởi mỗi đoạn trong hai đoạn ấy.

(*) Bản dịch tiếng Pháp cuốn sách của Lukács được nhà xuất bản Nagelt ấn hành tại Paris năm 1949, không lâu sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: