-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Con có khăn tay rồi chứ?
25/11/2023
Vào tháng 1 năm 1945, Stalin ra lệnh trục xuất những người Romania - Đức trong độ tuổi từ 17 đến 45 tới Liên Xô để thực hiện 5 năm lao động cưỡng bức, nhằm “tái xây dựng” một Liên bang mới. Trong số đó có mẹ của Herta Müller. Nửa thế kỷ sau, Müller dành nhiều năm trò chuyện với một người Romania khác cũng là nạn nhân của sắc lệnh này, nhà thơ Oskar Pastior. Sau khi ông đột ngột qua đời vào năm 2006, từ ba cuốn sổ chép tay ghi lại phần đời của nhà thơ quá cố, Müller đã viết nên “Nhịp thở chao nghiêng”, với chính Oskar là nguyên mẫu của nhân vật Leo Auberg.
Cùng năm tiểu thuyết được xuất bản, 2009, Herta Müller được trao Nobel Văn chương. Bài diễn từ mà bà đọc trong dịp nhận giải xoay quay câu chuyện về chiếc khăn tay, một của mẹ bà, một của bà và một của Oskar Pastior.
Xin trích.
CON CÓ KHĂN TAY RỒI CHỨ là câu mà mẹ hỏi tôi mỗi sáng, khi bà đứng ở ngưỡng cửa, và tôi đang dợm bước khỏi nhà. Tôi chưa có. Và vì vậy, tôi sẽ trở lại trong nhà lấy một chiếc mang theo. Tôi không bao giờ mang sẵn vì tôi luôn chờ bà hỏi. Chiếc khăn tay là hiện thân của sự quan tâm mẹ dành cho tôi mỗi sáng. Cả ngày còn lại, tôi một mình. Câu hỏi CON CÓ KHĂN TAY RỒI CHỨ là bày tỏ gián tiếp của tình thương. Mọi thể hiện trực tiếp khác sẽ là quá ngượng và không phải kiểu cách của những người nông dân. Tình thương cải trang trong hình dạng một câu hỏi. Đó là cách duy nhất mà nó có thể được thốt lên: như một việc thiết thực, với giọng điệu điều khiến, hoặc cử chỉ khéo léo. Cách nói sỗ sàng thậm chí còn tôn lên nỗi dịu dàng. Sáng nào cũng vậy, tôi bước ra cửa lần đầu mà không có khăn tay, và lần thứ hai thì đã có. Chỉ sau khi đó, tôi mới ra ngoài, cứ như thể việc mang theo khăn tay cũng đồng nghĩa với có mẹ bên mình.
…
Khi tôi còn nhỏ, trong nhà có một hộc tủ dành riêng cho khăn tay, ngăn đôi thành hai hàng, mỗi hàng ba xấp khăn:
Xấp bên trái là khăn của đàn ông trong nhà, cho cha và ông.
Bên phải là khăn phụ nữ, cho mẹ và bà.
Ở giữa là khăn trẻ con, cho tôi.
Ngăn tủ này là bức chân dung gia đình dưới định dạng khăn tay. Khăn của đàn ông lớn bản nhất, với sọc sẫm màu viền quanh rìa, nâu, xám hoặc đỏ Bordeaux. Khăn phụ nữ thì nhỏ hơn, và được viền màu xanh biển nhạt, đỏ hoặc xanh lá. Khăn trẻ con nhỏ nhất, những mảnh vuông không viền rìa được trang trí với họa tiết hoa lá hoặc động vật. Ba loại khăn được chia ra như vậy dành cho sinh hoạt thường nhật, xếp ở hàng trước, và khăn dành cho ngày Chủ Nhật, nằm hàng sau. Ngày Chủ Nhật thì khăn phải cùng màu với quần áo, dù không ai thấy chúng.
Đối với chúng tôi, không có đồ vật nào khác trong nhà, kể cả chính chúng tôi, quan trọng bằng những chiếc khăn tay. Nó được dùng cho tất cả: sụt sịt, mũi chảy máu, tay đau, cùi chỏ hay đầu gối; khóc, hay cắn vào để ngăn mình khỏi khóc. Một chiếc khăn tay ướt lạnh đặt trên trán khi đầu đau. Cột bốn mép lại với nhau, nó giúp bạn tránh nắng hay mưa. Có điều gì cần nhớ, bạn thắt nút khăn để nhắc mình khỏi quên. Để mang vật nặng, bạn quấn nó quanh bàn tay mình. Khi tàu hoả rời ga, bạn vẫy nó để nói lời tạm biệt. Và bởi vì từ dành cho nước mắt trong phương ngữ Banat của chúng tôi nghe từa tựa từ tàu hỏa trong tiếng Romania, nên đối với tôi, tiếng đoàn tàu nghiến vào thanh sắt đường ray luôn nghe như ai đang khóc. Trong làng, khi ai đó chết tại nhà, họ buộc ngay một chiếc khăn tay quanh cằm người chết để giữ cho hàm ngậm chặt khi tử thi bắt đầu co cứng. Ở thành phố nếu có ai ngã gục giữa đường, sẽ có người đi ngang lấy khăn tay che mặt họ lại, để chiếc khăn trở thành nơi an nghỉ đầu tiên của người chết.
Vào mùa hè nóng bức, cha mẹ thường sai con họ đến nghĩa trang tưới hoa lúc tối muộn. Chúng tôi chia thành nhóm hai hay ba đứa, nhanh chóng tưới nước từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác. Sau đó cả nhóm sẽ ngồi lại với nhau trên bậc thang nhà thờ và nhìn những cụm sương trắng tỏa lên từ các nấm mồ. Chúng bay lên một đoạn rồi tan biến vào bóng đêm. Với chúng tôi, đó là linh hồn người chết: hình con thú, ly, chai lọ và cốc nhỏ, găng tay và tất dài. Và đây đó một chiếc khăn tay trắng được viền bởi đêm đen.
Sau này khi tôi gặp Oskar Pastior để viết về khoảng thời gian ông bị trục xuất đến trại lao động của Liên Xô, ông kể tôi rằng một bà mẹ người Nga lớn tuổi từng tặng ông một chiếc khăn tay làm từ vải batiste trắng. Có thể cả hai sẽ gặp may, bà mẹ người Nga nói, và cậu sẽ được về nhà, cả con trai tôi nữa. Con trai của bà bằng tuổi Oskar Pastior và cũng đang xa nhà như vậy, nhưng là về hướng ngược lại, bà nói, trong một tiểu đoàn lính cựu tù. Oskar Pastior đã gõ cửa nhà bà, một gã ăn mày sắp chết đói muốn trao đổi một mẩu than lấy ít thức ăn. Bà đem ông vào nhà và cho ông súp nóng. Và khi thấy nước mũi ông nhỏ vào tô, bà đưa ông chiếc khăn tay trắng bằng vải batiste mới tinh. Với đường viền cổ điển, cuống lá và hoa thị được thêu tỉ mỉ với chỉ lụa, chiếc khăn tay là một thứ đẹp đẽ vừa ôm ấp vừa đả thương gã xin ăn. Nó là kết hợp của hai thứ đó: niềm an ủi làm từ vải batiste và phép đo bằng lụa cho sự tàn tạ của ông. Đối với người bàn đà, Oskar cũng là một sự kết hợp: của một gã xin ăn bị thế giới bỏ rơi đang ngồi trong nhà bà, và của một đứa trẻ lạc loài trên thế gian. Cả hai nhân cách này đều đang vui sướng và lúng túng trước cách đối đãi của người đàn bà cũng là sự kết hợp của hai người khác nhau: một người đàn bà Nga xa lạ, và một bà mẹ sốt sắng với câu hỏi CON CÓ KHĂN TAY RỒI CHỨ.
Kể từ lúc được nghe câu chuyện này, tôi nảy sinh một câu hỏi cho riêng mình: phải chăng CON CÓ KHĂN TAY RỒI CHỨ có hiệu lực ở mọi nơi? Phải chăng nó trải dài nửa vòng trái đất trong ánh tuyết lấp lánh giữa thời điểm băng đóng lại và tan chảy? Phải chăng nó băng qua những ngọn núi và thảo nguyên để vượt mọi biên giới; liệu nó có thể vươn tới một đế chế khổng lồ với những trại cải tạo và trại lao động cưỡng bức nằm tản mát khắp nơi? Phải chăng câu hỏi CON CÓ KHĂN TAY RỒI CHỨ là không thể trừ diệt, ngay cả với búa và liềm, ngay cả với tất cả những trại cải tạo theo chủ nghĩa Stalin?
…
Oskar Pastior cất giữ chiếc khăn tay đó trong chiếc rương của mình như một kỷ vật của hai người mẹ có hai đứa con. Và sau năm năm sống trong trại, ông đã mang nó về nhà. Vì chiếc khăn tay batiste trắng của ông là niềm hy vọng cũng như nỗi sợ. Một khi ta buông bỏ niềm hy vọng và nỗi sợ, ta chết.
…
Với tôi, có vẻ như đồ vật không biết chất liệu của chúng, cử chỉ không biết cảm xúc của chúng, và lời nói không biết đến khuôn miệng nói ra chúng. Nhưng để vững tâm về sự tồn tại của chính mình, chúng ta cần đồ vật, cử chỉ và lời nói. Suy cho cùng, càng nhiều từ ngữ ta được phép nói ra thì càng nhiều tự do ta có được. Nếu miệng của chúng ta bị cấm, ta cố gắng khẳng định mình qua cử chỉ, thậm chí đồ vật. Chúng thì khó để phiên dịch hơn, và sẽ mất nhiều thời gian hơn để người ta bắt đầu nghi ngờ chúng. Chúng có thể giúp ta chuyển hoá sự sỉ nhục thành một kiểu phẩm giá cần nhiều thời gian hơn để khơi dậy nghi ngờ.
Một sáng sớm, ngay trước khi tôi đến định cư ở Romania, một gã cảnh sát trong làng đến tìm mẹ tôi. Bà đã theo ông ta đến cổng và rồi chợt nhớ ra: MÌNH CÓ KHĂN TAY RỒI CHỨ? Bà chưa có. Dù gã cảnh sát có tỏ ra cáu kỉnh, bà đã quay trở lại trong nhà để lấy một chiếc khăn. Tại đồn, gã cảnh sát nổi cơn thịnh nộ. Tiếng Romania của mẹ tôi quá hạn chế để có thể hiểu được lời gã đang la hét. Vậy nên gã rời khỏi phòng và chốt trái cửa. Mẹ tôi bị nhốt ở đó suốt một ngày. Những giờ đầu, bà ngồi trên bàn làm việc của gã và khóc. Sau, bà đi đi lại lại rồi bắt đầu dùng chiếc khăn tay ướt đẫm nước mắt của mình để lau bụi cho đồ đạc trong phòng. Cuối cùng, bà lấy xô nước ra khỏi góc và cái giẻ ra khỏi móc trên tường, rồi bà lau sàn. Tôi kinh hoàng khi nghe bà kể lại. Làm sao mà mẹ có thể dọn văn phòng cho hắn như vậy, tôi hỏi. Bà nói không chút bối rối: Mẹ đang tìm cái gì đó làm cho trôi thời giờ. Và văn phòng hắn bẩn thỉu khủng khiếp. May là mẹ đã mang theo một chiếc khăn tay bản lớn của đàn ông nhà mình.
Chỉ lúc đó tôi mới hiểu rằng bằng việc bổ sung thêm nỗi nhục tự nguyện này, bà đã tạo cho mình chút phẩm giá trong khoảng thời gian bị giam giữ.
…
Tôi ước rằng mình có thể thốt nên một câu nào đó dành cho những người hằng ngày bị chế độ độc tài tước đoạt nhân phẩm, từ trước đến nay và kể cả bây giờ-một câu, có lẽ, có chứa từ khăn tay. Hoặc là câu hỏi CON CÓ KHĂN TAY RỒI CHỨ? Phải chăng câu hỏi về chiếc khăn tay chưa bao giờ là về chiếc khăn tay, mà là về nỗi cô đơn sâu thẳm của con người?
Xem cả bài: Herta Müller's Nobel Lecture: Every word knows something of a vicious circle
DEMEDI