-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Baudelaire trên tạp chí Văn, số tháng 9.1991
06/05/2023
ngồi đọc
ở đây .
Để kỷ niệm 170 năm ngày sinh thi hào Pháp Baudelaire, tạp chí Văn số tháng 9 năm 1991 tổng hợp một loạt bài viết xoay quanh cuộc đời và những giai thoại về ông. Ấn phẩm có thể được lục tìm tại thư viện của tiệm. Ở đây xin được chép lại nguyên xi chùm bài này.
Baudelaire
Bất mãn với tất cả
và với chính mình
Biên khảo của Anh Ngọc
(Theo tư liệu của Tạp chí Pháp “Đọc”, tháng 2-1991)
…Thất vọng triền miên về tình yêu và cuộc sống, nhà thơ lộ nét cay đắng trên môi. Từ những mất mát và cay đắng ấy đã sinh ra những bông hoa hiểm, một trong những bông hoa đẹp nhất của thi ca : "Hoa của cái ác".
Vừa hết tuổi thơ, Baudelaire lao vào những cuộc phóng đãng và hoan lạc bị cấm... Phung phí cả tài sản... Với sắc đẹp làm lẽ sống duy nhất.
"Tôi bệnh hoạn, tôi có một tính khí khả ố vì lỗi của cha mẹ tôi. Tôi còm cõi vì họ. Đó là hậu quả làm con của một người mẹ 27 tuổi và một người cha 72 tuổi. Một sự kết giao chênh lệch, bệnh hoạn, già cỗi". Dĩ nhiên nhà thơ nói quá đáng và làm cha mình già đi đến mười tuổi. Dù sao thì Charles Pierre Baudelaire cũng sinh ra từ một ông già 62 tuổi, ngày 9/4/1821 ở Paris - năm 1991 này vừa tròn 170 năm. Người cha, ông Francois Baudelaire, một thầy tu hoàn tục trong cách mạng 1789, làm việc trong cơ quan hành chính, thông thạo tiếng la-tinh và hội họa, chết khi Charles chưa đầy 6 tuổi. Ông để lại cho con mình cái khiếu về họa và một người mẹ trẻ, Caroline Dufays, một bà góa khá đẹp. Cậu bé Charles rất quý mến bà : "Trẻ thơ mê thích cái gì ở mẹ mình ? - Nó thích cái cảm giác mát dịu của lụa sa-tanh và lông thú... Vị thơm của cổ và tóc... Tiếng lách tách của những đồ trang sức". Một nỗi nhớ nhung tình mẫu tử : "Con luôn sống trong mẹ, mẹ là duy nhất của con. Mẹ vừa là một thần tượng, vừa là một người bạn". Charles viết thư cho mẹ, anh sẽ viết như vậy suốt đời mình, vẫn với một tình cảm bất hạnh, vẫn giữ những bức thư trong túi mà không dám mở ra. Năm 1828, Baudelaire mới 7 tuổi, mẹ anh 34 tuổi bỏ anh vì một sĩ quan đẹp trai, nhiều tham vọng, nghị sĩ của Đế quốc thứ hai, tướng Aupick, người chiếm đoạt vị trí của anh bên người mẹ yêu dấu. Suốt đời mình, Baudelaire khắc sâu trong tâm khảm hai cuộc rời bỏ : một cái chết (của cha) và một phản bội (của mẹ).
Thông minh nhưng ít chịu làm việc, Charles kết thúc thời gian học ở trường với giải nhì về thơ la-tinh và... bị đuổi khỏi trường vì vô kỷ luật. Sau đó anh thi đậu tú tài và trốn tránh nghề tùy viên sứ quán mà người ta mơ ước cho anh. Thu hút bởi sự phóng đãng anh lao vào cơn lốc những bạn văn và tìm đến những người đàn bà mắc bệnh giang mai, tàn tạ. "Tôi vừa là vết thương vừa là con dao, vừa là nạn nhân vừa là đao phủ".
Gia đình quá buồn phiền về sự phung phí của anh, tính biếng nhác của anh và những giao du xấu của anh, nên quyết định cho anh đi Ấn Độ. Một chuyến đi vì sức khỏe tinh thần (1841). Tính lập dị của anh thu hút sự chú ý của hành khách đi cùng chuyến tàu thủy với anh. Lúc xuống tàu, người ta phải bám chắc vào lan can của một cái thang dây. Nhưng anh lại cố giữ một chồng sách dưới tay trong khi tay kia cầm tách đưa lên miệng uống.
Từ chuyến đi này, anh trở về với nhiều hình ảnh và hương vị. Thích phong vị ngoại lai, nhưng cô đơn hơn bao giờ hết, như người bị lưu đày.
Nhà thơ như vị chúa tể của những đám mây
Gây nên bão táp và cười nhạo người xạ thủ
Bị đày xuống đất giữa những tiếng hò reo
Đôi cánh khổng lồ làm chân không bước được.
Vào dịp trở về, anh được thừa hưởng gia tài của cha anh. Paris mỉm cười với con người độc đáo này. Người ta thì thầm rằng anh trở về từ Ấn Độ. Anh cứ để cho ta nói. Tóc đen bóng, cái nhìn ngỗ ngược, hào hoa phong nhã, chàng công tử thường tới lui các quán cà phê, các xưởng họa và các hậu trường nhà hát.
Baudelaire gắn liền số phận mình với một Thần Vệ nữ đen ở vùng đảo. Đó là Jeanne Duval, "một cô lai, không quá đen, cũng không đẹp lắm". Nhà nhiếp ảnh Nadar là người đầu tiên chú ý đến cô và yêu cô vì "sự phát triển đặc biệt của bộ ngực nàng". Théodore de Banville nhớ lại : "Một cô gái da màu, thân hình rất cao, dáng đi như một bà hoàng, một vẻ đẹp dữ tợn, có một cái gì đó vừa thiêng liêng vừa thú vật". Cô gái bị lôi cuốn bởi sự sang trọng của anh chàng Charles cứ liên tục thay đồ đạc trong nhà bằng những thứ ngày càng đẹp hơn. Trong vòng 18 tháng, anh tiêu xài hết một nửa gia tài cha anh để lại.
Trước sự phung phí của anh, gia đình phải nhờ tòa án can thiệp. Suốt đời Baudelaire được đặt dưới sự bảo trợ của một công chứng viên, người này chỉ cho anh hàng tháng một số tiền khiêm tốn 200 franc. Anh phản ứng, chực tự vận, nhưng rồi đành chấp nhận cái trật tự mà người ta đặt ra cho anh. Anh phẫn uất, khiêu khích, nhưng không cách mạng.
Năm 23 tuổi, địa ngục mở ra : Baudelaire nằm trong tay các chủ nợ, họ không buông tha anh. Trong khi báo chí còn non trẻ trả nhuận bút rất hậu, trong khi thế hệ đầu tiên thuộc trường phái lãng mạn đang trên đỉnh cao của vinh quang (như Lamartine, Chateaubriand, Hugo, Vigny) thì Baudelaire "bất mãn với tất cả mọi người và với chính mình", kéo lê tâm trạng mình trong sự bàng quan của mọi người. Các báo nhỏ cũng từ chối bài và truyện của anh. Không có căn hộ, cũng không có tủ sách, những thứ thiết yếu của người viết văn, anh di chuyển chỗ ở 14 lần từ 1842 đến 1858. Riêng trong tháng 3/1855, anh đổi chỗ ở 6 lần.
Luôn say mê tranh, anh cũng có mua ít tranh lúc sẵn tiền, nhưng anh thường đến các bảo tàng, và anh dám thuê những bức tranh mà anh cho là những sáng tác thật sự. Họa sĩ Delacroix mà giới phê bình chửi rủa lại được Baudelaire sùng bái : "Ông Delacroix nhất định là một họa sĩ lớn, độc đáo nhất của các thời đại xưa và nay".
Baudelaire luôn chạy theo sự hoàn thiện về hình thức thơ. Có biệt tài về loại thơ tứ tuyệt, anh cũng trau chuốt tỉ mỉ những bài thơ - văn xuôi : "Trong chúng ta, có ai không mơ ước cái phép lạ của một văn xuôi mang tính thơ, tính nhạc, không nhịp và không vần, đủ uyên chuyển và đủ tương phản để thích ứng với những vận động trữ tình của tâm hồn, về nghệ với những sóng lượn của mơ mộng, với những bừng tỉnh của lương tâm ?".
Anh liên tục tham dự các cuộc bàn luận triền miên trong các quán cà phê, về nghệ thuật và chính trị. Ít khi một nụ cười ngạo nghễ tắt trên môi anh. Có lúc, trước một ly rượu nhẹ, anh đọc thơ cho bạn bè nghe. Các tờ báo lớn rút lui không đăng các bài trong tập thơ "Hoa của cái ác". Mặc dù vậy, anh vẫn đưa đăng rải rác các nơi.
Đối với anh, những cuộc cách mạng là những sân khấu nhỏ và là dịp để thét to sự căm ghét của anh đối với vị tướng cha dượng.
Tối ngày 24/2/1848, người ta gặp anh ở một ngã tư đường với một cây súng trong tay, hô to khẩu hiệu của anh "Phải bắn tướng Aupick". Trong giờ phút đó, người cha dượng của anh, chỉ huy Trường Bách Khoa, tìm cách ngăn không cho các học sinh của trường đi theo lực lượng nổi dậy.
Anh chiến sĩ cộng hòa cuồng nhiệt lại sớm trở về với sự cô đơn về tâm hồn. Sau cuộc đảo chính 1851, trong khi Hugo đi theo con đường tha phương thì Baudelaire cắt quan hệ với chính trị "xã hội". Tuy nhiên, anh tìm được một người anh em bên kia Đại Tây Dương bằng cách dịch và giới thiệu với nước Pháp "Những chuyện dị thường" của Edgar Allan Poe, người chết một cách bí mật trong một con suối ở Baltimore năm 1849. Trong con người Hoa Kỳ xấu số này, Baudelaire tìm thấy một người giống hệt mình : "Một danh nhân khốn khổ, quá giàu về thơ và đam mê, đi xuống cái thế giới thấp hèn này để làm một cuộc thực tập gian khổ về thiên tài trong những tâm hồn kém cỏi". Vì sao Baudelaire đã giành nhiều năm để dịch Edgar Poe ? "Vì ông ta giống tôi. Lần đầu tiên khi tôi mở quyển sách của ông, tôi vừa khiếp sợ vừa sung sướng thấy rằng đây không chỉ là những đề tài tôi mơ tưởng mà cả những câu tôi nghĩ ra và được ông ta viết trước đây 20 năm".
Người như tẩm đầy rượu, hư hỏng vì loại thuốc lá nặng, thuốc phiện và giang mai, Baudelaire mơ mộng và tự hủy diệt. Trên thực tế, mười năm trước khi chết, anh đã kết thúc đời mình.
Cuối cùng năm 1857 "Hoa của cái ác" được xuất bản. Cũng như "Bà Bovary" trước đó mấy tháng, tuyển tập của Baudelaire bị đưa ra tòa vì "xâm phạm đạo đức và công luận". Nhưng Flaubert thì được trắng án, còn Baudelaire, mặc dù được Flaubert và Hugo ủng hộ, lại bị kết án. Anh phải nộp phạt 250 franc, vừa hết toàn bộ tiền nhuận bút quyển sách, và phải rút bỏ ra sáu bài thơ. Trong bản in lần thứ hai năm 1861, Baudelaire lại thêm vào 35 bài khác. "Tôi bất chấp những kẻ đần độn ấy, và tôi biết rằng tập sách này, với những ưu điểm và khuyết điểm của nó, sẽ đi vào ký ức của công chúng, bên cạnh những bài thơ hay nhất của Victor Hugo và Théophile Gautier, và cả của Byron”.
Mặc kệ sự khốn quẫn. Mặc kệ cho sự thất bại một nửa về văn học. Mặc kệ những đàn bà : bà Sabatier là người đã đem đến cho anh một tình yêu lý tưởng (trái với Jeanne Duval), vậy mà khi bà trở về, anh cũng bỏ mặc.
Do bệnh tật, từ năm 1858, "khả năng thực tế của anh ở dưới tầm nhận thức của anh". Một vòng nhỏ qua nước Bỉ, anh tưởng rằng ở đó anh sẽ được biết đến nhiều hơn và được trả tiền nhiều hơn, nhưng thực tế đã làm anh thất vọng. Thế là hết. Không thể vui thích với sự ngợi khen mà một số nhà thơ trẻ như Verlaire, Mallarmé tặng cho anh, anh mắc những triệu chứng đầu tiên của bệnh cấm khẩu và bại liệt nửa người. "Chúa ơi, hãy cho tôi cái ân huệ được làm ra vài câu thơ đẹp, để chứng minh rằng tôi không phải là con người cuối cùng, rằng tôi không kém hơn những kẻ mà tôi khinh bỉ".
Mặc dù vậy, anh cho ra "Thiên đường nhân tạo" và một loạt những thơ - văn xuôi. "Tim tôi để trần".
Ngày 2/7/1866, với sự tháp tùng của mẹ anh, người ta đưa anh về từ nước Bỉ. Và trớ trêu thay, chính ông Bộ trưởng Bộ giáo dục trả cho anh các chi phí nằm bệnh viện. Tại bệnh viện, anh sống 13 tháng câm và bại liệt hoàn toàn. Sáng 31/8/1887, anh mất, thọ 46 tuổi. Mẹ anh cho chốn anh ở nghĩa địa Montparnasse, ở đó anh yên nghỉ bên cạnh tượng Aupick.
Cuối cùng, giá trị của các tác phẩm của anh đã được công nhận. Đối với các thế hệ sau, Baudelaire là một nhà thơ xấu số.
(Theo Marie Christine Jeanniot)
Baudelaire
và các họa sĩ
của anh
Những phê phán của anh là chắc chắn, những đam mê của anh là mộng tưởng. Phải chăng hơn ai hết anh hiểu thiên tài của Delacroix ?
Chúng ta hãy đi theo nhà phê bình nghệ thuật Baudelaire tại bảo tàng Orsay.
Một bảo tàng rộng đặt tại một nhà ga cũ, luôn nhộn nhịp vì sự đi lại của khách du lịch. Bảo tàng Orsay, dành cho nghệ thuật thế kỷ 19, có một dãy 14 bức tranh để cho người xem biết đó là những bức tranh mà nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật Baudelaire ca ngợi hoặc coi thường. Bên mỗi bức tranh có một tấm biển nhỏ ghi lại lời phê bình của Baudelaire.
Đối với Ingres, chúa tể của hội họa Pháp khoảng 1840, "người duy nhất ở Pháp thực sự vẽ chân dung", Baudelaire công nhận Ingres là một họa sĩ thiên tài thật sự : "Ingres chưa bao giờ được sung sướng và khỏe khoắn như khi thiên tài của anh gặp sức lôi cuốn của một vẻ đẹp trẻ". Những cơ bắp, những nếp và những bóng tối trên thân thể. Nhưng, trong bức tranh khỏa thân "Jupiter và Antiope" của Ingres, Baudelaire lại phàn nàn về "cái chân không tên, gầy gò, không bắp thịt, không hình dáng và không nếp nhăn ở khuỷu đầu gối". Đối với Baudelaire, nghệ thuật của Ingres có vẻ kỳ dị do thiếu sức tưởng tượng và lý tưởng. Baudelaire vốn không thích loại nghệ thuật "bóng lộn" ngự trị trong thời đó. Còn những tranh lịch sử được nhiều chính khách ngưỡng mộ thì đối với Baudelaire dường như là có tính giai thoại và vô giá trị. Tranh phong cảnh làm cho chàng công tử Baudelaire buồn, vì anh xây dựng thẩm mỹ của mình trên cơ sở phản thiên nhiên. Còn Carot tuy thiếu nét duyên dáng và giản dị, nhưng sự cân đối và hiền hòa của các bức tranh thì lại xa lạ đối với Baudelaire. Trước bức tranh "Những người mót lúa" của Millet, Baudelaire dương móng vuốt của mình ra : "Những người nông dân của Millet là những kẻ khoe khoang tự đánh giá mình quá cao. Họ phô trương một kiểu đần độn u tối và bất hạnh làm cho tôi muốn ghét họ". Nếu Baudelaire khinh miệt sự "sùng bái ngây ngô" đối với thiên nhiên, thì anh lại tự nuôi dưỡng cho mình cái sở thích ngoại lai từ chuyến đi qua Ấn Độ dương. Mơ ước của anh về một sự yên tĩnh đầy ánh nắng được thể hiện trong các bức tranh của Fromentin, như tranh "Săn chim ưng ở Algerie "làm anh say mê một phong cảnh được nghệ thuật tôn lên và một phương Đông hết sức nên thơ.
Nhưng nguồn cảm hứng đẹp nhất của Baudelaire là Delacroix, người cuối cùng của phái lãng mạn, người lớn cao nhất của phái hiện đại. Với Delacroix cũng như với Poe, anh có tình cảm hoàn toàn thân thiết như anh em. Mỗi bức tranh của Delacroix là một bi kịch giống như anh. Đối với bức tranh "Những phụ nữ ở Alger", anh viết : "Bài thơ nhỏ này của nội tâm tràn ngập yên tĩnh... tỏa ra một cái gì như là hương vị cao siêu của nơi xấu xa, nó dẫn ta nhanh chóng đến trạng thái mơ hồ vô định của sự buồn rầu". Trước bức tranh "Săn sư tử", anh thốt lên : "Chưa bao giờ có những màu sắc đẹp hơn, mạnh hơn, có thể đi sâu vào tâm hồn qua những con mắt. "Delacroix không bắt chước thiên nhiên một cách mù quáng, ông nâng cao nó lên nhờ sức tưởng tượng của ông theo sự tìm tòi lý tưởng”.
Năm 1845, Baudelaire tự đáy lòng kêu gọi một "nghệ sĩ hiện đại biết làm cho ta thấy mình lớn lao và nên thơ biết chừng nào từ những cà-vạt của ta và những đôi giày bóng của ta". Những bức phác họa của Daumier đáp ứng một cách tuyệt mỹ ý đồ đó. Nhưng chính đối với Constantin Guys, Baudelaire ca ngợi hết lời bằng cách đề tặng bài thơ "Người họa sĩ của đời sống hiện đại". Baudelaire thấy ở Guys một con người đúng theo tâm tư của mình, "nghệ sĩ và nhà văn hóa", người đi rong không mệt mỏi, người say mê phụ nữ, người quan sát không biết chán của quần chúng, một nghệ sĩ hoàn toàn chìm đắm trong thế giới hiện đại : Chiến tranh, thời trang, những cuộc đua ngựa. Nhưng người chuyên vẽ thời sự này không bao giờ vẽ tại chỗ, chính là ở nhà, vào đêm, dưới ánh sáng đèn nến mà anh ghi lại những cảnh thấy trong ngày. Anh là họa sĩ của cái đẹp bí ẩn, đau khổ, đôi khi quỷ quái mà nhà thơ của "Hoa của cái ác" cố tìm
Giữa Guys, Courbet, Manet và Baudelaire có mối liên hệ bạn bè và hợp tác được hình thành trước những cuộc gặp gỡ lớn giữa các họa sĩ và văn sĩ thế kỷ 20. Courbet thường được Baudelaire đến thăm, vẽ nhà thơ đang đọc sách ở một góc xưởng vẽ của ông. Nhưng dần dần Baudelaire tách khỏi Courbet mà anh cho là quá "hiện thực". Bức tranh "Olympia" của Manet chịu ơn nhiều ở "Hoa của cái ác" : Người đàn bà da đen, con mèo, sự khỏa thân chỉ còn lại trang sức... "Manet kết hợp với hứng thơ theo hiện thực hiện đại - đó đã là một triệu chứng tốt rồi - một sức tưởng tượng sinh động và rộng rãi, dễ xúc động, táo bạo, mà không có nó thì những khả năng tốt nhất cũng chỉ là những kẻ đầy tớ không có chủ". Nhưng Baudelaire khen Manet với ý nước đôi : "Anh chỉ là người đầu tiên trong thời suy đồi của loại nghệ thuật của anh". Đối với Baudelaire, Manet là họa sĩ đầu tiên thuộc thể hệ anh, tiêu biểu cho sự thoái hóa của hội họa.
Vào lúc Baudelaire chết, thẩm mỹ của anh mới bắt đầu tỏa sáng, không chỉ thông qua những lời viết phê bình của anh, mà cả trong toàn bộ thơ anh. Đối với các họa sĩ và thi sĩ của thế kỷ 19 này, Baudelaire vẫn là một ngọn đèn pha.
(Theo Anne Brunswic)
vài điều
Baudelaire thích
và không thích
Hóa trang : "Người phụ nữ thực hiện một thứ nghĩa vụ trong khi cố gắng để tỏ ra kỳ diệu và siêu phàm". Không phải là một kiểu hóa trang nhẹ nhàng, hầu như không thấy rõ, tìm cách bắt chước một cách ngu xuẩn thiên nhiên và tuổi trẻ. Baudelaire thích loại phấn, nó tạo ra một "thể thống nhất làm cho con người gần giống như một pho tượng". Màu đen làm cho mắt thành "một cửa sổ mở ra vô tận. Màu đỏ đem lại cho khuôn mặt "sự đam mê bí ẩn của một nữ tu".
Đi vào đám đông : Baudelaire chào đón ở Constantin Guys "một họa sĩ của đời sống hiện đại", người quan sát thành phố và các đám đông. "Sự say mê và nghề nghiệp của anh là hòa lẫn với đám đông. Thật là vui thích vô cùng khi chọn chỗ ở trong số đông, trong sóng lượn, trong vận động, trong thoáng qua và trong vô tận. Ở ngoài nhà mình mà đâu đâu cũng cảm thấy ở nhà mình ; nhìn thấy thế giới, ở ngay trung tâm thế giới mà vẫn ẩn náu".
Paris : Baudelaire dự định kết thúc lần xuất bản thứ hai "Hoa của cái ác" bằng bài "Thơ tặng Paris nhìn từ trên cao Montmartre", bài thơ chưa hoàn thành.
Tôi yêu em, ôi em tuyệt đẹp, ôi em duyên dáng... Những quả bom và những dao găm của em, những chiến thắng và những ngày lễ của em
Những ngoại ô buồn
Những khách sạn đông người
Những vườn cây nhiều tiếng thở dài và nhiều mưu tính..."
Mèo và chó : Baudelaire rất thích mèo nhưng lại không thích chó.
"Lại đây, con mèo xinh của ta trên trái tim si tình của ta
Trong đầu óc tôi, nó dạo chơi
Như trong căn phòng của nó
Một con mèo đẹp, khỏe, hiền lành và duyên dáng
Những người yêu nhiệt thành và những nhà bác học nghiêm khắc
Lúc đứng tuổi, đều yêu thích
Những con mèo mạnh khỏe và hiền lành, niềm tự hào trong nhà.
Trong một bức thư gửi cho mẹ, Baudelaire phàn nàn về Jeanne : "Cô ta đuổi con mèo của con, vốn là sự khuây khỏa duy nhất của con ở nhà, và đem đến những con chó, mà chỉ nhìn thấy chúng con đã cảm thấy khó chịu".
Báo chí : Bất kỳ báo chí nào, từ dòng đầu đến dòng cuối, chỉ là một tràng những điều khả ố. Thế nhưng, đó lại là một thứ khai vị ghê tởm mà con người văn minh dùng trong mỗi bữa ăn sáng. Tất cả trên đời này đều sặc mùi tội ác : Báo chí, trường thành và mặt người. Tôi không hiểu được rằng một bàn tay trong sạch có thể sờ đến một tờ báo mà không có một sự xáo động ghê tởm".
Thiên nhiên : "Điểm qua tất cả, phân tích tất cả những gì tự nhiên, anh sẽ chỉ thấy kinh khủng. Tội ác vốn là tự nhiên. Cái xấu được thực hiện không khó khăn, tự nhiên, do định mệnh. Cái tốt luôn là sản phẩm của nghệ thuật".
Desnoyers, một người bạn, yêu cầu Baudelaire có những câu thơ về thiên nhiên, anh đáp : "Anh biết rõ rằng tôi không có khả năng xúc động đối với các loài thực vật, và rằng tâm hồn tôi không kham với cái tôn giáo mới kỳ lạ ấy. Tôi không bao giờ nghĩ rằng tâm hồn của các đấng thiêng liêng sống trong các loài cây".
Sự sinh sản : "Samuel Cramer coi sự sinh sản như là một thói xấu của tình yêu, coi việc mang thai như là một thứ bệnh. Ông viết "Tiên trên trời đều lưỡng tính và không có con".
Léo Ferré
hát Baudelaire
Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Léo Ferré năm nay 74 tuổi. Ông trả lời phỏng vấn của Mariane Payot, phóng viên tạp chí "Đọc" như sau :
Hỏi : Ông không ngừng hát Baudelaire. Thời điểm nào có sự gặp gỡ giữa ông với Baudelaire?
Đáp : Năm 12 tuổi, mẹ tôi đưa tôi đi xem phim "Đi". Trong phim có một ca sĩ giọng trầm hát bài "Mời đi du ngoạn" của Baudelaire do Duparc phổ nhạc. Tôi thấy lạ lùng. Khi về, tôi tìm lại những bản nhạc của Duparc và tôi thấy có 18 bài thơ được phổ nhạc. Thế đấy. Đối với tôi, thế là rõ, thơ trở thành thiêng liêng. Nhưng tôi chưa nghĩ đến việc phổ nhạc theo thơ.
Hỏi : Vì sao ? Ông có đồng ý với Hugo nói rằng : "Tôi cấm người ta phổ nhạc thơ tôi"?
Đáp : Không. Trái lại, tôi nghĩ rằng nhạc đã giúp nhiều cho thơ. Khi nhạc được phổ theo thơ một cách tận tình thì nó sẽ đưa những câu thơ vào đầu óc của những người không được học nhiều.
Hỏi : Vậy khi nào ông mới quyết định phổ nhạc thơ Baudelaire ?
Đáp : Năm 1957, tôi giở tập "Hoa của cái ác" và ngẫu nhiên tôi thấy bài thơ "Mời đi du ngoạn". Thế là tôi ngâm nga thử hát theo một điệu valse. Và tôi nhận ra rằng Duparc đã bỏ mất một đoạn :
Những đồ đạc bóng lộn
Qua năm tháng
Sẽ trang trí cho phòng chúng ta
Tôi liền tự nhủ : "Léo, anh sẽ cứu vớt những đồ đạc này". Thế đấy. Thật đơn giản. Rồi tôi sực nhớ rằng 1957 là năm kỷ niệm 100 năm "Hoa của cái ác". Và tôi liền phổ nhạc 12 bài. Rồi tôi phổ nhạc tất cả những bài thơ của Baudelaire.
Hỏi : Cuối cùng, với Baudelaire Verlaine, Rimbaud, Apollinaire, ông đã phổ nhạc hàng trăm bài thơ. Có thật sự ông đã có sẵn chúng trong đầu ?
Đáp : Trên sân khấu, trí nhớ đến như theo định mệnh. Nhưng quả thực là phải làm việc liên tục với các bài thơ. Tôi sống với tất cả chúng. Ở Italie, khi tôi đi dạo với con chó của tôi, tôi đọc to lời thơ để nhớ lại. Và con chó nhìn tôi mỉm cười.
năm
bài thơ văn xuôi
của Charles Baudelaire
.
linh hồn của rượu nho
MỘT đêm kia, linh hồn của rượu nho cất tiếng hát trong những cái chai: ”Người ơi, từ trong cái khám đường làm bằng thủy tinh và khăn đỏ, ta gởi đến ngươi - kẻ bất hạnh bị bỏ rơi mà ta yêu quý - một ca khúc đầy ánh sáng và tình thân ái".
Ta hiểu rõ phải tốn biết bao nhiêu lao lực, biết bao nhiêu mồ hôi và nắng cháy trên triền đồi bốc lửa kia, ta mới được ra đời và có được một linh hồn ; cho nên ta không bao giờ là kẻ bội bạc, cũng không bao giờ thích làm điều ác.
Ta vui một niềm vui mênh mang khi ta ngấm vào cổ họng của một con người kiệt sức vì lao lực, và bầu ngực ấm của anh ta là nấm mồ dịu ngọt trong đó ta thoải mái hơn trong các hầm chứa rượu lạnh tanh kia…
Ngươi có nghe chăng những điệp khúc ngày chúa nhựt ngân vang và niềm hy vọng thì thầm trong cõi lòng ta đang thổn thức ?
Với đôi cùi chỏ chỏi xuống mặt bàn và những ống tay áo vo lên, người sẽ tôn vinh ta và người sẽ được hài lòng.
Ta sẽ thắp sáng đôi mắt của vợ ngươi đang ngây ngất trong niềm hoan lạc ;
Ta phục hồi sinh lực và màu da hồng thắm cho đứa con trai nhỏ của ngươi, và đối với chàng lực sĩ mảnh khảnh ấy, ta sẽ là chất dầu xoa làm rắn chắc các cơ bắp của những tay đô vật.
Ta sẽ tan biến trong ngươi - ta, nước phấn hoa giải khát cho thần linh, ta, hạt giống quý được gieo trồng bằng bàn tay của Đấng sáng tạo vĩnh hằng - để cho tình yêu giữa chúng ta làm nảy sinh ra Thơ ca bay bổng lên trời cao như một loài hoa hiếm.
1861
TRANG THẾ HY dịch
.
cửa sổ
NHÌN vào một của sổ mở không bao giờ thấy được nhiều như nhìn vào cửa sổ khép kín. Không có gì sâu thẳm hơn, huyền bí hơn, phong nhiêu hơn, mờ ảo và chói lọi hơn một cửa sổ thắp nến.
Những gì nhìn thấy trong nắng trời bao giờ cũng kém lý thú hơn những gì diễn ra sau khung cửa sổ.
Trong cái động âm u và rực rỡ ấy, đời sống đang sống, đời sống đang mơ, đời sống đang đau khổ.
Xuyên qua mái ngói lượn sóng, tôi nhìn thấy một người đàn bà luống tuổi, nhăn nheo và nghèo khổ. Bà luôn củi mình làm gì đó và chẳng bao giờ bước ra ngoài.
Qua nét mặt, áo quần và dáng điệu, vô cớ tôi dựng lên câu chuyện đời người đàn bà. Một thứ truyền kỳ. Và đôi khi tôi tự kể cho mình nghe câu chuyện ấy mà khóc thầm.
Dù cho đó là một ông lão khốn khổ, tôi cũng dễ dàng dựng cùng câu chuyện thế thôi.
Rồi tôi nằm xuống, hãnh diện đã sống và đau khổ với tha nhân.
Có lẽ bạn sẽ bảo :
Anh có cho rằng câu chuyện ấy có thật không ?
Cái thực tại bên ngoài tôi ấy là gì đi nữa thì có sao đâu miễn là nó giúp tôi sống, cảm thấy tôi hiện hữu và là cái gì đó trên đời.
.
bán cầu trong mái tóc
HÃY để tôi thở chầm chậm mùi thơm trong mái tóc em, để tôi vùi mặt vào đó như người chết khát cúi uống nước ngầm.
Để tôi vầy tóc em như chiếc khăn tay ướp hương, rắc tung trí nhớ của tôi vào không khí.
Giá mà em biết được tất cả những gì tôi nhìn thấy, những gì tôi rung động, và những gì tôi nghe trong mái tóc em ?
Linh hồn tôi lang thang trên mùi tóc em như hồn ai thả trôi theo nhạc.
Tóc em chứa đựng một giấc mơ đầy cánh buồm, chứa biển lớn có gió mùa đưa tới xứ vui, nơi bầu trời biếc xanh và sâu thẳm, nơi không khí thơm nức hoa quả, lá cây và da người.
Trong đại dương tóc em, tôi thấy một bến cảng đầy tiếng hát buồn, những chàng trai cường tráng từ mọi xứ, những dáng thuyền in bóng xinh đẹp và phương phi trên nền trời bao la tứ mùa ấm áp.
Trong mơn trớn tóc em, tôi sống lại những giờ dài thư thả trên trường kỷ, trong phòng nhỏ của du thuyền đong đưa bên vịnh cảng, giữa những lọ hoa và bình nước mát.
Trong hơi ấm nồng màn của tóc em, tôi thở mùi thuốc lá hòa với hương thuốc phiện và đường
Trong đêm tóc em, tôi thấy lấp lánh khung trời nhiệt đới xanh trong vô tận.
Trên bờ cát bềnh bồng của tóc em, tôi say với mùi lịch thanh lẫn với hươu xạ và dầu dừa.
Hãy để tôi cắn nhẹ mái tóc huyền dầy nặng của em.
Khi tôi nhấm nháp những món tóc bướng bỉnh và mềm mại ấy, tôi cảm thấy như mình đang ăn hoài niệm.
.
mời gọi du hành
CÓ một xứ sở diệu kỳ, một miền đất của sữa và mật, người ta đồn như thế, mà tôi hằng mơ ước viếng thăm.
Xứ lạ kỳ chìm trong sương mù phương Bắc, và có thể gọi đấy là Đông phương của Tây phương.
Một miền đất thực tại của sữa và mật, nơi mọi thứ đều xinh đẹp và phong nhiêu, bình an và trinh tuyền.
Nơi ấy, ngăn nắp nâng gương soi cho hào phóng, đời sống êm đềm và dịu dàng cho từng hơi thở của ta.
Nơi ấy, hỗn mang và đường đột bị tống cổ ra ngoài. Hạnh phúc kết hôn cùng im lặng.
Nơi ấy, bếp núc cũng nên thơ và phong phú tuyệt vời.
Đấy là nơi mọi thứ đều tạo ra theo hình ảnh của em, người tôi yêu mến…
Vâng, cõi miền ấy đáng sống biết bao, nơi giờ trôi chậm chứa đựng bao ý tưởng, nơi đồng hồ điểm hạnh phúc với vẻ trang trọng sâu xa đầy ý nghĩa…
Một miền đất của sữa và mật, tôi kể em nghe, nơi mọi thứ đều thanh nhã, trong sạch và lấp lánh, giống như một lương tâm xinh đẹp, giống như một căn bếp lộng lẫy, giống như ngọc ngà lưu ly !
Toàn bộ kho tàng nhân loại ở đấy như ở nhà một người thợ mà cả thế giới mang ơn.
Một xứ sở lạ kỳ vượt xa mọi xứ sở, như nghệ thuật vượt thiên nhiên, nơi thiên nhiên có mộng bồi đắp, trùng tu, điểm trang và hun đúc lại…
Kho tàng này, đồ đạc này, sang cả này, trật tự này, hương thơm này, những bông hoa phi thường này, chính là em đó.
.
đồng hồ
Người Trung Hoa báo giờ bằng cách xem mắt mèo.
Có nhà truyền giáo lang thang miền Nam Kinh, vì quên đồng hồ, nên gọi một đứa bé trai đến hỏi giờ.
Cậu thiếu niên Thiên quốc tần ngần một chốc rồi trả lời : Ngài sẽ biết ngay.
Liền sau đó, cậu trở lại, tay ôm một con mèo rất to. Nhìn vào lòng trắng mắt mèo, cậu quả quyết : Gần đến Ngọ rồi.
Đúng như vậy.
Còn tôi, tôi nhìn vào mắt nàng Féline xinh đẹp của tôi.
Nàng là người gái thơ giữa bầy thiếu nữ, là niềm kiêu hãnh trong tôi. Và là trầm hương của linh hồn tôi.
Dù đêm hay ngày, trong ánh trời sáng tươi hay bóng đêm mờ ảo, tôi luôn thấy rõ giờ giấc trong đáy mắt nàng xiết bao diễm tuyệt.
Luôn luôn cùng một giờ bát ngát mênh mông, trang trọng và bao la như không gian vĩ đại mà chẳng bao giờ chia thành phút thành giây. Một giờ ngưng đọng không thấy ghi trên bất cứ đồng hồ nào.
Và giờ ấy nhẹ như tiếng thở dài êm dịu nhất, nhanh như một thoáng nhìn bay lượt qua ta.
Và nếu có kẻ lạ nào bỗng dưng quấy nhiễu trong khi tôi mê mải nhìn chiếc đồng hồ tuyệt diệu này.
Nếu có vị thần ngang tàng sống sượng nào, có con quỉ lố bịch nào đến hỏi : Anh nhìn gì đắm đuối thế ? Anh tìm kiếm gì trong mắt ai kia ? Anh thấy gì ở đó, hỡi phàm nhân hoang đàng ngơ ngẩn ?
Tôi sẽ đáp ngày : Vâng, tôi nhìn thấy giờ, đó là thiên thu !
Em ạ, đây chẳng phải là đoản ca nồng nàn nhất, trìu mến nhất hay sao ? Như chính bản thân em vậy ?
Tôi thêu dệt lời xưng tụng đầy tự phụ này mà lòng hân hoan vui thích.
Đến nỗi tôi chẳng cần em đền đáp gì đâu.
P. N. dịch