-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đấy mà đã 10 năm, kể từ khi NXB Tri thức ấn hành tập đầu tiên trong bộ sách Vật lý hiện đại của Ông nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của tác giả, vào năm 2011. Nay đã ở tuổi 90, Ông vẫn tiếp tục cho chúng tôi niềm vinh hạnh được xuất bản cuốn thứ 6 mà bạn đọc đang có trên tay, vẫn với niềm đam mê phổ biến kiến thức đỉnh cao, vẫn với phong độ đĩnh đạc và tầm nhìn xa khiến chúng tôi tin tưởng và mong mỏi rằng Ông còn gắn bó với các thế hệ trẻ yêu Vật lý Việt Nam trong nhiều năm nữa.
Từ một học sinh nổi tiếng “thần đồng” của trường Quốc học Võ Tánh (Tuy Hòa, Bình Định) thời kháng chiến, Cao Chi đã thực sự bước vào môi trường học thuật đỉnh cao tại khoa Vật lý Lý thuyết, Đại học Tổng hợp Lomonosov, nơi Ông gọi là “Thánh đường Khoa học”, vào những năm 1956-1961. Mười năm sau, 1962, Ông có may mắn cùng các đồng nghiệp được đích thân Bộ trưởng Tạ Quang Bửu lựa chọn gửi sang một “Thánh đường Khoa học” khác của Liên xô - Viện nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Quốc tế Dubna, theo Kế hoạch chiến lược Xây dựng nền Khoa học Việt Nam trong thời kỳ mới, với lời căn dặn: Mục tiêu sang Dubna của các anh không phải học hàm học vị, không nhất thiết phải bảo vệ luận án, nhưng nhất thiết phải theo kịp trình độ khoa học tiên tiến, trong một lĩnh vực tiên tiến, để rồi tìm cách đưa nền Khoa học Việt Nam tiến lên toàn diện.
Điều đó đã trở thành động lực và phương châm hành động trong suốt cuộc đời lao động sáng tạo của nhà khoa học tài năng. Ngoài lĩnh vực chuyên ngành của mình, Cao Chi còn được biết đến là một Nhà văn hóa có tâm hồn nghệ sỹ. Ông yêu và viết về cái Đẹp thật tự nhiên từ bản năng Chân Thiện Mỹ; đối với Ông, vẻ đẹp trong Khoa học (đặc biệt là Toán học) cũng lộng lẫy và quyến rũ như trong Nghệ thuật, đều bắt nguồn từ Thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ.
Sau hai mươi năm theo dõi hoạt động khoa học và nghệ thuật (qua những bài viết về khoa học bằng ngòi bút văn chương) của Cao Chi, vào năm 1983, GS. Tạ Quang Bửu đã dành cho người đàn em - bạn trẻ tài hoa của mình những lời chân thành và rất đẹp: “Cao Chi là một chuyên gia về Lý thuyết Trường Lượng tử và một nhà Toán học sâu sắc, cái gì bạn ấy viết ra cũng đều được suy tính kỹ. Những bài viết của bạn ấy dù là về các vấn đề chuyên môn cũng đẹp về nhiều mặt: Ý tứ, lời văn, tình nghĩa và trách nhiệm tương hỗ giữa người viết và người đọc”.
Chắc Giáo sư Bửu không thể ngờ được rằng gần 40 năm sau, Cao Chi mà ông từng yêu mến vẫn rong ruổi trên con đường sáng tạo mặc cho mũi tên Thời gian vô tình và nghiệt ngã luôn luôn lao về phía trước ám ảnh thế gian này.