Thứ quý giá nhất: James về cái chết

11/11/2023

 

Trích dịch tiểu luận THE MOST VALUABLE THING: JAMES ON DEATH (*)
(Mildred Hartsock, tạp chí Modern Fiction Studies, The John Hopkins University Press, Vol. 22, No.4, 1976-77)

 

 

     Đối với Henry James, việc sống cuộc sống với đầy đủ ý thức là một giá trị tối thượng. Khi nói về ông, các nhà phê bình đã nhắc nhiều đến những khái niệm “phép thử tội của ý thức", “giáo phái ý thức", “ý niệm về ý thức" (1). Chính James đã từng tự hỏi, “...đạo đức có là gì khác ngoài biểu hiệu của trí tuệ vượt trội?” (The Golden Bowl, New York: Charles Scribner's Sons, 1905), và những nhân vật của ông, như Lambert Strether hay Maggie Verner, đã có được nhận thức sáng tạo, hay như John Marcher và Merton Densher, đạt được điều đó khi đã muộn. Nhưng, bất chấp việc chủ đề này được nhìn nhận rộng rãi trong các tác phẩm của Henry James, trên phương diện triết học, ông vẫn gặp phải nhiều ý kiến bất đồng. Không ai đòi hỏi rằng một tiểu thuyết gia phải là một triết gia; và trong phần lời tựa của The Portrait of a Lady, James cũng đã gạt bỏ nhận định của các nhà luân lý học và các nhà truyền giáo khi ông cho rằng: yêu cầu đạo đức duy nhất của tác phẩm hư cấu là thể hiện “lượng cuộc sống cảm nhận được khi tạo ra tác phẩm.” Nhưng không trong bất kỳ nghĩa nào, các tuyên bố của ông phủ nhận sự thật: tiền giả định của một tiểu thuyết gia về cuộc sống và cái chết sẽ ảnh hưởng đến cách mà anh ta truyền tải “cuộc sống cảm nhận được”.

     Có những người cho rằng Henry James không có khuynh hướng triết học cụ thể. Martha Banta gọi ông là người theo chủ nghĩa chiết trung tối thượng và rằng ông áp dụng bất kỳ tư tưởng nào, miễn là nó hiệu quả (2). Ralph Barton Perry, người viết tiểu sử về William James, kết luận rằng Henry ngây thơ về mặt triết học… (3)

     Robert Reilly, đặt sự chú ý vào mối quan hệ đạo đức của nhà văn với ông anh trai William James, miêu tả “kiểu nhân vật trung tâm điển hình của James” như là "người theo triết lý Emerson tồn tại trong một đức tin phi trí tuệ - trạng thái mở đường cho những hành động đạo đức độc đáo." Kiểu nhân vật trung tâm này, Reilly tiếp, “không có kết nối nào với luật lệ, mà chỉ với thánh thần” (4). Với Yvor Winters, James chịu tư tưởng truyền thống theo "nề nếp lâu đời của các nhà thờ La Mã, Công giáo Anh và nhà thờ thần học Calvin"; nhưng ý thức đạo đức của ông, Winters kết luận, "rốt cuộc bị phá hủy bởi triết lý 'phản đạo đức' của Emerson.” (5)

     Rõ ràng, Henry James không thể đồng thời tiếp nhận tất cả những quan điểm triết học này, cũng chưa ai đưa ra bằng chứng nào về quá trình tiến triển hay thay đổi từ triết lý này sang triết lý khác của James. Vì vậy, nếu có một cách để đánh giá mối tương quan giữa những ý kiến trên thì nó nên được khám phá thêm. Dù là ở trường phái triết học nào, cốt lõi của mọi triết lý là câu trả lời cho vấn đề ngoan cố nhất và không thể trốn tránh của loài người - cái chết. Tìm hiểu cách nhìn nhận của James về cái chết và cách nó được miêu tả trong các tác phẩm của ông, vì vậy, có thể thách thức một số nhận định kể trên và có thể cung cấp manh mối để tiếp cận - dù chỉ phần nào - thế giới quan của Henry James.

     Tuyên bố và quan niệm của James về cái chết thường được biết đến qua những lá thư, ghi chép và các bài tiểu luận văn xuôi; nhưng chúng cần được khảo sát về khuôn mẫu và tính nhất quán.

     Thư từ của James tiết lộ cú sốc dai dẳng trước sự “chấm dứt" (termination) của con người và thái độ kiên quyết không chấp nhận cái mà Wallace Stevens gọi là “niềm an ủi bóng bẩy" (“sleek ensolacings” - xuất hiện trong bài thơ Esthétique Du Mal, Wallace Stevens, trong tập Collected Poems, 1954). Ngay cả những người theo thuyết tuyệt đối, tất nhiên, cũng cảm nhận và bày tỏ nỗi đau - cả những người theo thuyết duy tâm cũng như những người được nâng đỡ bởi niềm tin thần học. Nhưng, ngôn ngữ của James bộc lộ nhiều hơn là nỗi buồn cá nhân. “Tuyệt chủng" là từ thường được sử dụng để nói về số phận của những người thân đã khuất. Sau cái chết của William năm 1910, Henry viết cho Edith Wharton rằng ông ngồi đó “đắm chìm trong bóng tối" vì “sự vắng mặt bất khả vãn hồi của người anh yêu quý". Ông viết thêm rằng mối quan hệ với William, tình cảm ông dành cho người anh và “phương diện khác biệt mà sự tuyệt chủng của anh ấy mang lại cho cuộc đời tôi là không thể thốt nên lời...”. Trong một lá thư gửi cho Edward Marsh, ông nói về cái chết của Ruppert Brooke: “Điều này thật quá khủng khiếp và đau lòng. Nếu còn bất kỳ biến dạng ngu ngốc, ghê tởm của cuộc sống và sự sỉ nhục cái đẹp nào mà thời cuộc khủng khiếp của chúng ta [Cuộc Chiến] có thể xuyên phá, thì giờ đây chúng đã đạt đến đỉnh cao tối thượng, và không một đòn đánh nào vào bi kịch cá nhân còn có thể tàn bạo hơn trong việc phủ đầy ánh nhìn ta bằng nước mắt.” Ông coi cái chết của Brooke như là “sự tuyệt chủng ngu xuẩn của hỡi ôi một khí cụ vô cùng tinh tế, hỡi ôi một sự tồn tại vô cùng tinh tế.” Trong một lá thư đau buồn khác về cái chết của Brooke, ông đòi hỏi rằng cái chết phải được đối mặt mà không lảng tránh. Ông khuyên: “...mọi sự thôi thúc dẫn tôi đến điều tôi nói với bạn [Edward Marsh] đây, hãy nâng niu nỗi đau và nếm trọn vị cay đắng với tất cả những gì chúng ‘đáng được hưởng’ - để biết, đến mức cùng tận, việc đã xảy đến với bạn, và để không lỡ mất bất kỳ khía cạnh nào, dù khó khăn đến đâu, mà nó tác động đến ta”.

     Cái chết của mẹ vào năm 1882 là một trải nghiệm vô cùng phiền muộn với Henry James. Nó gợi lên một trong những phát biểu hiếm hoi của ông về cuộc sống sau cái chết:

     “cái chết của bà đã đem đến cho tôi niềm tin mãnh liệt vào những điều siêu việt nhất định - nội tại của sinh vật được tạo tác cao quý như bà - sự bất tử của đức hạnh đẹp nhường vậy - sự đoàn tụ của linh hồn ở một trạng huống tốt hơn thế này. Hôm nay, bà không trở thành một vị thiên thần nào khác hơn là vị thiên thần bà vẫn đã từng; nhưng tôi không tin được rằng, do tai ương là cái chết, mọi nỗi dịu dàng khó hòng diễn tả của bà bị tước đi chính bởi những tồn tại mà bà hằng yêu quý. Bà ở với chúng ta, bà thuộc về chúng ta-sự bất động vĩnh hằng chỉ là một dạng hình của tình yêu bà.”

     Tuy nhiên, ngay cả ở đây, “điều siêu việt" dường như là sự tồn tại vĩnh hằng của ký ức về bà mẹ trong đời sống. Và trong cùng bức thư, ông cũng dùng từ “tuyệt chủng". Sau cái chết của người cha, Henry bày tỏ với William: “Khi em nhìn vào biểu lộ cuối cùng này của biết bao năm chung sống trần thế, thật khó tin rằng họ [cha mẹ] lại không thể đoàn tụ lần nữa trong bất kỳ ý thức nào của em về đức tin.” (6)

     Cuối đời, khi Henry thăm mộ gia đình ở nghĩa trang Mt. Auburn, không hề có lời nào về sự đoàn tụ cuối cùng ở một cõi “bên ngoài" với những người thân đã mất: chỉ có quyết tâm được biết và một lần nữa nếm trải ý nghĩa của những người chết này đối với cuộc sống của ông. Ông cảm thấy “không đến đây hẳn sẽ là một điều khốn khổ, thật khủng khiếp nếu giả như bị lỡ mất… Mọi thứ đều ở đây, mọi thứ đã đến đây; sự ngộ ra, sự bất động, sự xa lạ, lòng trắc ẩn và sự thiêng liêng và nỗi kinh hoàng, niềm đam mê nghẹt thở và sự giải thoát thần thánh của nước mắt.” Ông đứng đó đối mặt với “nỗi xót thương và bi kịch" của tất cả những gì trong quá khứ.

     Nếu không còn bằng chứng nào khác để xem xét ngoài những gì đã được trích dẫn, thì có thể thấy rõ khoảng cách lớn giữa Henry James và Emerson, hoặc Whitman, hoặc bất kỳ một nhân vật theo trường phái lãng mạn nào khác. Khó mà tưởng tượng được James có thể kết thúc bài điếu ca cho con trai với giọng điệu an ủi rằng cậu bé “Lạc mất trong Chúa, được tìm thấy trong Thiên Chúa.” (7) Người ta cũng không thể tưởng tượng được James tìm thấy điều gì ngoài sự vớ vẩn trong lời khẳng định của Whitman: “Có ai cho rằng thật may mắn khi được sinh ra? Tôi sẽ vội vàng cho anh, hoặc cô ấy hay rằng, chết đi cũng là may mắn nhường vậy, và điều đó thì tôi biết rõ." (8)

     James không biết điều đó. Đối với ông, cái chết là con Quái vật trong Rừng, và ông gần gũi với thời đại của chúng ta hơn là với truyền thống của chủ nghĩa lãng mạn.

     Bằng chứng trực tiếp hơn được tìm thấy trong nhiều lá thư khác, và trong bài luận về sự bất tử của ông, được in trong tuyển tập "In After Days, Thoughts on the Future Life", do Howells biên soạn.

     Trong một lá thư gửi cho William về di cảo văn chương của người cha Henry James, Sr. mà anh ông cho in trước đó, Henry tách mình ra khỏi bất kỳ siêu nghiệm tuyệt đối nào:

     "Em chợt nhận ra khi đọc chúng [di cảo của cha] rằng toàn bộ hệ thống của ông độc đáo và cá nhân đến chừng nào, và chúng là công trình tối yếu mà những ai đi theo tôn giáo nên để tâm. Bản thân em thì không thể nắm bắt được (nhiều). Em không nghiêng về thần học cũng không chấp nhận được những tiền đề phi thường của ông, không thể ném mình vào những quan niệm về thiên đường và địa ngục, và cũng không cam đoan được rằng nhân loại là chủ đề trung tâm của tự nhiên. …"

     Cân nhắc nghiêm túc của ông về vấn đề này cũng được tìm thấy trong bức thư ông gửi cho chị dâu để cảm ơn bản sao của “bài giảng 'Immortality' anh William gửi tặng… mà tôi đã đọc với đánh giá cao về nghệ thuật và về mối quan tâm đến chủ đề này. Tôi cho rằng, một cách có ý thức, tôi không thuộc về đối tượng nào trong hai đối tượng mà bài giảng chủ định xoa dịu - ý tôi là, những người hoài mong, hay những kẻ phản đối. Thử thách khó khăn không phải là thứ ngăn cản tôi đứng vào vị trí của những người hoài mong - mà đúng hơn, chính là sự thiếu vắng một giá trị thống nhất”.

     Bài luận viết cho Howells “Is There a Life After Death?” (9) đưa ra nhận định rõ ràng và đầy đủ nhất của James về cái chết và cái theo sau nó. Động lực chủ đạo của luận văn là lời khẳng định giá trị cuộc sống và bày tỏ thái độ thiếu nhẫn nại của ông với những người “đã chết" trước khi họ thật sự “chết". Tỏ ra hờ hững với chất vấn về sự bất tử, James viết, nó “thấp hơn đặc quyền của con người"; và cho những ai dửng dưng với tồn tại của mình, James đặt câu hỏi “có thể phân biệt được họ là ‘người đang sống' không? Kể cả trước hay sau cái chết". Ross Labrie cho rằng ý của James là "ta phải tự mình kiếm được “cõi bên kia” bằng việc đẩy cao hơn nữa mức độ nhận thức của mình trong đời sống này.” Ross Labrie tiếp, một “tinh hoa bất tử" sẽ thừa hưởng cuộc sống sau cái chết theo cách tương tự như “quan niệm của người Thanh giáo Mỹ, Jonathan Edward là ví dụ”.

     Có thể khẳng định rằng James chẳng hề có ý đó, Henry đơn giản là chộp lấy cơ hội để khiển trách những người do mải lo nghĩ về sự sống còn mà để lỡ mất cuộc đời họ có. Sau lời quở trách này, ở phần trung tâm của luận văn, James đưa ra bằng chứng xác tín hơn cho khẳng định cái chết là sự “chấm dứt”:

     “không cách viết nào có thể bộc lộ nhân phẩm của thế giới rõ hơn là viết về nó trong sự hữu hạn, bấp bênh và khó hòng tiếp cận. Mọi sự xấu xí, thô thiển, ngu si, tàn ác, cái bình diện mênh mông mà thế giới này đóng vai trò là biên sử của bạo tàn và thô tục, sự vắng mặt quá đỗi dễ dàng nhường vậy của ý thức… những thứ này in sâu vào chúng ta rằng là, để  một nhân phẩm, chẳng cần thiết phải tạo ra một giả định nào khác ngoài những giả định mà thể giới hỗn tạp vô ngần này thừa mứa khả năng cung cấp.”

     Giọng điệu bác bỏ, ông cho rằng thuyết duy linh đang thịnh vượng ở thời đại mình là "hoàn toàn thiếu căn cứ", James than thở:

     "... ta bắt đầu bằng việc xót thương người chết, vì ngại đối diện với sự thờ ơ của mình với họ, rốt cuộc, ta kết thúc bằng việc xót thương chính mình, vì họ thờ ơ với ta trong màn bày tỏ cuối cùng. “Hẳn họ đã chết rồi” ta nói; "hẳn họ đã chết như 'khoa học' xác minh...".

     Đến tận đây, không một dấu hiệu nào về đức tin, dù là vào một vị thần Cơ Đốc hay vào bất kỳ ý niệm nào về sự thống nhất tinh thần trong vũ trụ có thể khiến cái chết trở thành một thứ gì đó khác hơn là một kết cục bạo tàn. Người đàn ông “cứng rắn” chỉ đơn giản là nghiền ngẫm về cái hư vô sẽ ngáp dài vào cuối đời mình.

     Nhưng James vẫn tiếp:

     "Việc sống, hoặc cảm nhận sự tò mò tinh tế của mình về vũ trụ khiến ta mãi mãi được nuôi dưỡng, mãi mãi được tưởng thưởng—mặc dù không có được câu trả lời dứt khoát nào—nó trở thành điều tốt đẹp nhất mà tôi có thể nhận thức, tốt hơn gấp triệu lần so với việc không sống...".

     Thư từ và tác phẩm của Henry James gợi ý rằng, mặc dù ông đã chọn, theo lý trí, chủ nghĩa thực dụng có cái kết mở khi nhìn nhận về cái chết, nhưng giọng điệu chủ đạo của ông, trên phương diện cảm xúc ở tầng sâu, lại nghiêng về quan điểm như trong bài luận về sự bất tử: “Đức tin hay niềm hy vọng của ta, ở một mức độ nào đó, có thể bảo hộ ta trước hiện thực… về cái chết mà ta thấy và lấy làm tiếc nuối, nhưng tất cả sẽ đổ sập trước tiếp diễn bền bỉ khó hòng chịu đựng của cái chết”.

     Cái chết, xảy ra trong nhiều truyện và tiểu thuyết của Henry James, là một sự thật nghiệt ngã, và chính những khảo sát về cái chết sẽ khẳng định thêm giá trị kiên định nhất xuyên suốt tác phẩm của ông: giá trị của cuộc sống. Ông nói rõ điều đó trong một bức thư rất thường xuyên được trích dẫn, bức thư gửi cho Grace Norton: “Tôi không biết tại sao ta sống-món quà cuộc sống đến từ nguồn gốc nào hay để cho mục đích gì; nhưng tôi tin rằng ta có thể tiếp tục sống bởi một lẽ… cuộc sống là thứ quý giá nhất mà ta từng hiểu được, và có lẽ sẽ là một sai lầm lớn lao nếu ta đầu hàng khi vẫn còn chút gì đó sót lại trong chiếc cốc của mình.” 

     Tựu chung, trong các truyện ngắn và tiểu thuyết, cái chết được sử dụng cho một trong ba mục đích sau: 1) để chứng tỏ rằng cuộc sống phải được sống ở hiện tại mà không bị quá khứ đè lên nó cái gánh nặng của mình; 2) đánh thức những người đang sống mà như đã chết, những người mà ý thức của họ hầu như chẳng hoạt động gì nhiều hơn so với giả như họ đang nằm trong mộ; 3) quở trách, với gián tiếp nghệ thuật, những người vì tính truyền thống hoặc nỗi sợ hãi cuộc sống mà kìm hãm sự thoả mãn về đời tư của mình.

     James luôn nhạy cảm với tiếng kêu nài của người chết với người sống; ông có cảm giác sâu sắc với một quá khứ mà ta “có thể viếng thăm". George Stransom, trong “Ban thờ Người Chết", bảo vệ nghi lễ thờ phụng người quá cố của mình: ”Đây nào phải sự cứu vớt đục mờ của thần học, cũng chẳng phải phần thưởng của một thế giới phù du; những linh hồn này được cứu theo cách không tôn giáo hay công ích nào có thể - họ được cứu cho thế giới ấm áp, cho sự tiếp nối, cho sự vững vàng của ký ức và sự tưởng niệm con người". Nhưng rốt cuộc, mấu chốt của câu chuyện nằm ở chỗ: dù cho mối liên kết của người sống với người chết là không thể đoạn tuyệt và nó cũng khiến đời sống ta phong phú thêm thì cái chết cũng không được phép ngăn cản ta yêu và sống.

     Nỗi đau của Stransom khi một người bạn làm hoen ố danh dự người vợ quá cố bằng việc tái hôn chính là mặt trái của tấm gương soi rọi cho điều mà sau này ông vỡ lẽ, rằng tình yêu ông dành cho người bạn đồng hành trong cuộc thờ phụng mới là thứ thực sự tôn vinh người chết, đơn giản bằng cách tôn vinh cuộc sống.

     Đối với James, cái chết là Con Quái Vật trong Rừng, vì nó kết liễu mọi cơ hội để được biết, được cảm thấy, và được tạo tác. Con Quái Vật vồ lấy John Marcher chính là cái chết - cuộc vỡ lẽ bi thảm của ông trước nấm mồ của May Bartram, rằng cuộc đời có một hạn định, và cuộc sống, tự nó có thể là cái chết khi ta sống mà thiếu đi ý thức: “Anh phải gặp định mệnh của mình trong Thời Gian, vậy nên chính trong Thời Gian, định mệnh của anh sẽ hiện hình”. Cái chết, đối với May Bartram không phải là một bi kịch: “cô đã sống - bởi cô đã yêu anh", cô đã biết tình yêu trong trọn vẹn ý thức. Chính Marcher, bất lực trong việc “xuyên thủng màn tối thẳm của cái chết”, mới là người phải đau đớn quăng mình vào nấm mồ cô trong khoảnh khắc vỡ lẽ muộn mằn.

     Thư từ, tiểu luận, truyện ngắn, tiểu thuyết cho thấy quan điểm của Henry James về cái chết là nhất quán. Cái chết là sự kết thúc. Cũng như anh trai mình, William, về mặt lý tính, ông cởi mở với ý tưởng rằng tương lai có thể mang lại hiểu biết mới để giải quyết vấn đề, nhưng về cảm tính, Henry cam đoan, rằng: cái chết là kẻ thù, là Con Quái Vật trong Rừng. Một cuộc đối mặt chân thành với nó có thể mang đến ý thức trọn vẹn hơn cho người đang sống; tạo ra một giáo phái cho cái chết - dù là cái chết của người thân yêu, hay cái chết của quá khứ hay một hệ giá trị - là cản trở việc đón nhận cuộc sống.

     Quan điểm của James về cái chết và cuộc sống đặt ông ở một vị trí rất xa so với chủ nghĩa duy tâm triết học điển hình. Không chịu sự nâng đỡ của niềm tin siêu hình, thay vào đó, ông gần gũi hơn với đặc tính luôn chất vấn và đầy hoài nghi của thế kỷ XX. Dù sao đi nữa, niềm tin của Henry James vào giá trị cuộc sống là không hề suy suyển.

 


 

  • Chú thích:

(*) Bài gốc: The most valuable thing: James on death - Mildred Hartsock

1) Dorothea Krook, "The Ordeal of Consciousness in Henry James" (Cambridge at the University Press, 1962); Martha Banta, "Henry James and the Occult" (Bloomington: Indiana University Press, 1972); Ross Labrie, "Henry James's Idea of Consciousness" American Literature, 39 (01/1968), 516-529.

2) Martha Banta, "Henry James and the Occult" (Bloomington: Indiana University Press).

3) Ralph Barton Perry, The Thought and Character of William James (Boston, MA: Little, Brown and Co., 1935).

4) Robert J. Reilly, "Henry James and the Morality of Fiction," American Literature, 39 (03/1967).

5) Yvor Winters, "In Defense of Reason" (Denver, CO: University of Denver Press, 1947), tr. 306.

6) "A letter to William", trích dẫn bởi by Leon Edel trong "Henry James, The Middle Years" (Philadelphia, PA: J. B. Lippincott Co., 1962), trang 62.

(7) Brooks Atkinson, “The Writings of Ralph Waldo Emerson” (New York: The Modern Library, 1950), tr. 775-783.

(8) Gay Wilson Allen và Charles T. Davis, “Walt Whitman's Poems” (New York: New York University Press, 1955), tr. 75.

(9) F. O. Matthiessen, "Is There a Life After Death? The James Family" (New York: Alfred A. Knopf, 1961). Bài luận xuất hiện lần đầu trong tuyển tập "In After Days, Thoughts on the Future Life", do Howells biên soạn (New York: Harper & Brothers, 1910). Mọi trích dẫn khác liên quan đều nằm trong ấn phẩm này.

 

 DEMEDI 

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi
popup

Số lượng:

Tổng tiền: