-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đàn - Thơ ngoài lời (Dương Tường)
25/05/2023
ngồi đọc
ở đây .
Cuối năm 2003, tập thơ “Đàn - thơ ngoài lời” của tác giả Dương Tường được ấn hành với số lượng khiêm tốn: 500 cuốn. Mở đầu sách, nhà xuất bản Trẻ đóng dấu chắc nịch một lời tuyên bố: ”Đây là một tập thơ”, có lẽ để độc giả khỏi ngỡ ngàng. Ở đây chép lại.
lời nhà xuất bản
Bạn thân mến,
Do chỗ đây là lần đầu tiên ở Việt Nam một nhà xuất bản trình ra trước bạn đọc một tập sách “lạ” nên cần có lời giới thiệu hơi dài dòng này.Đây là một tập thơ.
Bạn đọc, những ai chưa từng bắt gặp hình thức biểu hiện này, có khi cả những bạn đã nghe nói qua đôi chút song vẫn còn chưa quen, đều có thể sẽ hỏi: thơ đâu? Sao chẳng thấy ngôn ngữ hình ảnh gì hết? Sao chẳng thấy những gì theo thói quen ta vẫn gọi bằng
thơ?Xin bạn đọc kiên tâm đọc mấy lời lý giải này.
***
Trong cuộc sống, chúng ta thường quá quen với những cái hiển nhiên. Những thứ có thể dùng kinh nghiệm để nhận biết. Những thứ lắm khi không cần lý giải nữa. Thế nhưng ta thử đi xa hơn kinh nghiệm xem sao.
Bạn nhìn thấy bông hoa, bạn quen nghĩ rằng đó đương nhiên là bông hoa, nhưng thật bất ngờ nếu có ai đó nói với bạn rằng đó là hình thái mới của cái nụ. Qua nỗi bất ngờ, bạn tĩnh tâm lại, và bạn sẽ gật gù một mình tán thưởng cái ý nghĩ tưởng như ngồ ngộ kia: trái cây là hình thái mới của hoa, và hoa là hình thái mới của nụ.
Thơ ca, nghệ thuật, văn chương cũng chẳng thoát ra khỏi những quy luật hiển nhiên như những sự thật hiển nhiên kia.
Này nhé, thoạt đầu, từ xa xưa, con người đã làm gì có đàn, kể cả những loại nhạc cụ ở dạng thô sơ, nguyên thủy chứ chưa nói đến pianô hay những bộ gõ sáng choang như bây giờ? Vào thời mà con người còn trao đổi với nhau bằng những tiếng ú ớ chưa cấu âm, khi đó đã làm gì có những bài thơ dài như Iliade hay Odyssée của Homère cho người ta ngâm vịnh và truyền từ đời này qua đời khác? Khi đó người ta biểu lộ tình cảm bằng cách gì?
Và bây giờ xin thử nói như sau:
Cái ôm choàng lấy nhau trong hang động xưa, sau này có hình thái mới trong ngôn ngữ của tấm thân nàng Duncan nhảy như rực lửa trên sàn diễn khiến cho chàng thi sĩ Essénine thẫn thờ muốn chết. Cái hình vẽ như là “bôi bác” trong thành vách hang động chỉ với những mầu cơ bản vì trời sinh ra sẵn cho những màu cơ bản đó, rồi sẽ mang hình thái mới trong những cách pha màu tinh tế, trong những hình khối lạ mắt đến mức có thể có người cho là “khó coi".
Bạn đã quen dần với cách nói: ngôn ngữ của bộ phim A hay hơn và tinh tế hơn bộ phim B. Bạn cũng nói nữa, ngôn ngữ của vở kịch câm kia hoàn toàn “nói lên nhiều” và “nói hay hơn” vở diễn có lời khác. Thế thì sao nào?
***
Nhà xuất bản TRẺ muốn thực sự phục vụ nhu cầu mỹ cảm ngày càng đổi mới của bạn đọc. Vì vậy mà có cuốn thơ ngoài lời đầu tiên này.
Bạn hãy từ bỏ lối đọc sách có người giảng, xem phim có người thuyết minh, nghe nhạc có em- xi dắt dẫn. Bạn sẽ tự đặt mình vào vai nhà thơ, vào vai trò người sáng tạo, và bạn hãy thưởng thức những bài thơ ngoài lời này.Trong câu vừa rồi, chúng tôi không in nghiêng mấy tiếng thơ ngoài lời nữa, vì nghĩ rằng, đã đến lúc không cần nhấn mạnh những cái coi là mới nữa. Cái mới bắt đầu thành cái cũ, nó sắp thành cái đương nhiên rồi đó.
Xin cảm ơn bạn
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
đôi điều về thơ ngoài lời
Thơ ngoài lời, theo cách gọi của Dương Tường, hay thơ không lời, theo cách gọi của Trần Dần, thực ra không phải là một cái gì dị thường lắm.
Ở đầu nguồn, có lẽ là những calligrammes của nhà thơ cách tân hàng đầu của Pháp Guillaume Apollinaire, những bài thơ được trình bày bằng cách viết biểu hình, mà tôi tạm dịch bằng một từ Hán Việt tân tạo: thư đồ thi. Cũng như cái mắc áo, cái bồn tiểu lật sấp của Marcel Duchamp là tiền đề cho hình thức installation (sắp đặt) sau này, thư đồ thi của Apollinaire, theo tôi nghĩ, là tiền đề cho thơ ngoài lời hay thơ không lời mà Dương Tương và Trần Dần thể nghiệm vào giữa những năm 1970. Dương Tường bảo tôi: "Calligrammes của Apollinaire không những mở ra một chiều kích mới cho thơ, mà còn cho cả việc thưởng thức thơ nữa: người đọc mới không chỉ thưởng thức cái đẹp ngôn ngữ của thơ mà còn thưởng ngoạn những nét đẹp tạo hình của thơ nữa, qua đó - để dùng lại lời của chính Apollinaire - “nắm được một cách tổng hợp bằng tượng hình những gì được viết theo lối phân tích bằng ngôn từ" (saisir de façon idéographique et synthétique ce qui est écrit de manière analytique et discursive).” Xin xem thử hai calligrammes dưới đây của Apollinaire:
Thơ ngoài lời có thể xếp cùng loại với thơ trực thị (poésie visuelle) hay gọi là thơ tạo hình cũng được, một hình thức được phát triển thành phong trào ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở Brésil và châu Mỹ La-tinh, từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ vừa qua. Ở Brésil, hình thức này được gọi là thơ cụ thể (poésie concrète) và một trong những người khởi xướng là Haroldo de Campos (sinh năm 1929 – Sao Paulo). Theo Severo Sarduy, nhà thơ và tiểu thuyết gia Cuba sống ở Pháp, thì khác với thơ hiểu theo nghĩa truyền thống, thơ cụ thể ‘là một biểu đồ (diagramme), một chùm hình ảnh trên trang giấy thể hiện một cách năng động và hiệu quả những ý niệm cũng như những mối liên hệ giữa chúng, những cấu trúc vô hình - về âm hay về nghĩa - liên kết chúng lại với nhau, những tương đồng hay đối lập thầm kín giữa chúng.” Lấy ví dụ bài Epithalamium (1) - II dưới đây của nhà thơ Brésil Paulo Xisto, một trong những kiện tướng của dòng thơ cụ thể ở Brésil:
Người đọc có thể thấy ở đây một tóm lược của lịch sử Thiên đường: Nàng (she), Chàng (he) và một chữ S tượng trưng cho con rắn xảo quyệt. Ngoài ra, vị trí đối xứng và ràng buộc khăng khít với nhau bởi chính con rắn ấy như trong Vườn Địa Đàng, là một chữ h thay cho homo (người đàn ông tức Adam) và một chữ e thay cho Eve. Dĩ nhiên, như Severo Sarduy nhấn mạnh, mỗi người đọc có thể mang đến cách diễn giải của chính mình và, như vậy, theo một nghĩa nào đó, tham gia vào công việc sáng tạo thơ.Vậy có thể nói thơ ngoài lời, hay thơ cụ thể, hay thơ tạo hình là một phát triển tự nhiên ở một số thi sĩ mà cảm hứng thơ giao hòa với những tầng xúc cảm siêu ngôn ngữ, đòi hỏi một cách biểu hiện đa chiều hơn. Giống như trong nghệ thuật tạo hình, khi người họa sĩ cảm thấy tranh giá vẽ không đủ cho những bề chiều ngoài khung tranh thì anh ta tìm đến những hình thức như sắp đặt (installation), nghệ thuật thực địa (land art) v.v... Những hình thức này, khi mới xuất hiện, không phải lập tức được chấp nhận rộng rãi. Khi Hristov bọc cầu Pont Neuf, chẳng hạn, mấy ai coi đó là nghệ thuật!
Có thể kể một số thi sĩ trên thế giới làm thơ tạo hình như Max Bense ở Đức, A. Voznessenski ở Liên Xô (cũ), Eugen Gominger ở Thụy Sĩ, Kitasono Katsue ở Nhật Bản...
Ở Việt Nam, theo tôi biết, có Trần Dần, Dương Tường và phần nào Đặng Đình Hưng làm thơ ngoài lời. Thơ ngoài lời mở rộng biên độ cảm nhận cho người đọc, nghĩa là mỗi người có thể đọc theo cách cảm và tâm khí riêng của mình, thậm chí có thể mở rộng liên tưởng đến những trải nghiệm cá nhân tùy theo độ nhạy của “antenne bắt sóng” của mình. Có thể nói người đọc hoàn toàn tự do trong cảm nhận của mình. Lấy một ví dụ: trong tập ĐÀN của Dương Tường, có chương Đàn Minh (mệnh). Người đọc mẫn cảm có thể liên tưởng đến Bản Giao Hưởng số 5 (Định Mệnh) của Beethoven, đến những cung đàn bạc mệnh của Thúy Kiều v.v… Người gần gũi hơn với tác giả lại có thể đọc ở cái “ma trận” chữ ký những đan xen số phận của những người đã đi qua cuộc đời tác giả. Bản thân tôi, một trong những người hiện diện ở đó bằng chữ ký của mình, đôi lúc cũng cảm thấy mình là đồng tác giả.
Châu Diên
(1) Epithalamium - Tiếng Hy Lạp: bài thơ hay ca khúc mừng cô dâu chú rể trong lễ thành hôn.
.
Trong một bài phỏng vấn Xuân Nhân Dần 2022, dịch giả, nhà văn, nhà thơ Dương Tường nói về thơ của mình:
Vật liệu chính của thơ tôi không phải là con chữ mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác và tôi là ở chỗ họ làm việc ngôn ngữ trên chiều “biểu nghĩa” (signifie) còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều “năng nghĩa” (significant). Những gì ở thơ họ là “đã” thì ở thơ tôi là “đang”. Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn “thẳng” còn ở tôi là mặt chữ nhìn “nghiêng”. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi.
Trần Dần có 2 cuốn thơ kiểu này, một cuốn là Thơ không lời, còn cuốn kia là Mây không lời, còn tôi là cuốn Đàn - thơ ngoài lời. Thơ tôi gần với thơ Trần Dần và tôi chịu ảnh hưởng của ông. Nếu nói thơ tôi có khác với Trần Dần thì đúng là có cái khác vì tôi vừa là bạn vừa là học trò của Trần Dần. Những cuộc trao đổi về thị ca với Trần Dần đã mở cho tôi hướng đi mới.
Ở thời điểm chúng tôi cùng trao đổi với nhau về thơ thị giác, thơ ngoài lời thì những cách tân của Apollinaire (nhà thơ Pháp), của Henri Michaux (nhà thơ Bỉ) về loại thơ này cũng đang được bàn tới trong thi ca thế giới. Lúc đó, tuy chưa tiếp cận được văn bản thơ thị giác, thơ không lời của các nhà thơ này, nhưng Trần Dần và tôi đã mở một cuộc chơi “Thơ vô ngôn”. Đến sau này, khi có được bản in thơ không lời của Henri Michaux, tôi mới thấy các thể nghiệm thơ vô ngôn của Trần Dần và tôi cũng có những nét tương đồng với họ. Vì thơ không chỉ có một cách biểu hiện bằng ngôn ngữ mà còn bằng ký tự và khi nó đến, nó có thể được kết hợp bằng cả hình ảnh và âm thanh, bởi nó là một dạng “siêu ngôn ngữ”.
(Thơ Guillaume Apollinaire, trích "Calligrammes; poèmes de la paix et da la guerre, 1913-1916". Link tham khảo nằm cuối bài)
(Thơ Henri Michaux, trích "Miserable miracle". Link tham khảo nằm cuối bài)
.
Dẫn dắt đã dài, đến lúc mời bạn thưởng thơ cụ Dương Tường. Vì thơ là thơ ngoài lời, vậy chắc cũng không cần nói thêm gì nữa.
.
Tham khảo:
1) Calligrammes; poèmes de la paix et da la guerre, 1913-1916, Guillaume Apollinaire
2) Miserable miracle, Henri Michaux