Nói tiếp về Bà Dalloway

25/03/2023

     Cuộc sống vẫn tiếp diễn, dù 4 năm kinh hoàng của đại dịch có cướp đi bao nhiêu sinh mạng, dù những món nợ của ta với người chết vẫn chưa bao giờ được trả, dù sao đi nữa, thì cuộc sống vẫn lại tiếp diễn. Cũng như sau khi những cuộc chiến đi qua, bất cứ cuộc chiến nào mà lịch sử loài người đã phát minh ra. Ở “Bà Dalloway”, là cuộc sống tiếp diễn ở những ngày hậu Thế chiến thứ nhất, giữa London. Những ngày hậu tận thế, và người còn lại phải sống tiếp trong hoang mang tột độ, với vô vàn câu hỏi: "Làm thế nào mà đồng hồ vẫn rung chuông?", "Làm thế nào lại có thể tổ chức một bữa tiệc?", khi mà thế giới đã sụp đổ.

     Nhưng bữa tiệc vẫn sẽ diễn ra. Tháp đồng hồ vẫn đều đặn đổ chuông. Một ngày tháng Sáu năm 1923, bà Dalloway ra phố mua hoa để chuẩn bị cho bữa tiệc chiều. Trên những con phố bà ghé lại, nơi bà chào hỏi người quen, nơi bà chọn lựa găng tay trong một cửa hàng, sẽ có những người đàn ông không còn đôi chân hay cánh tay, sẽ có những người đàn ông với khuôn mặt tan chảy và biến dạng, hậu quả của các loại vũ khí mới như súng phun lửa hay khí mù tạt mà người Đức sử dụng. Những người đàn ông đã trở về, họ trở về với hình hài như vậy, hòa vào tâm trạng xã hội đặc quánh căng thẳng sau ngày Đình chiến. Đó là một cuốn tiểu thuyết về một Đế quốc Anh đổ nát, tập tễnh, một London đã thay đổi mãi mãi.


Chiến tranh vĩnh viễn chia cắt Septimus và người vợ Rezia,
ném họ vào hai nỗi khổ khác nhau, không bao giờ tiệm cận
© MassArt Illustration Thesis 2019

 

     Trong bản thảo ban đầu, Woolf đã mở đầu cuốn sách (khi đó có tựa đề là “The Hours”) với cảnh Peter Walsh đi dạo giữa những tháp chuông và những bức tượng vẫn còn nguyên vẹn ở trung tâm London, khi một đoàn quân diễu hành đặt vòng hoa tưởng niệm ở Quảng trường Trafalgar. Peter, suy ngẫm về những thất bại và sự yếu đuối của mình, nghĩ về người phụ nữ ông từng yêu, tên Clarissa.

      Woolf nói rằng, trong những bản thảo ban đầu “bà Dalloway định sẽ tự sát, hoặc có lẽ chỉ đơn thuần là chết vào cuối bữa tiệc” và “Septimus, người hóa ra là một hiện thân khác của bà Dalloway, thật ra không hề tồn tại.”

     Nhưng sau này, cuốn sách có tựa đề “The Hours” đã trở thành cuốn tiểu thuyết mang tên “Mrs. Dalloway”. Một cuốn sách đã mở đầu với: ”Ở Westminster, nơi các chùa chiền, nhà hội, tu viện và tháp chuông đủ loại được tập hợp lại với nhau, cứ mỗi giờ và nửa giờ, một hồi chuông, sửa lỗi cho nhau, khẳng định rằng thời gian đã đến sớm hơn một chút, hoặc ở lại muộn hơn một chút, ở đây hoặc ở đây” trở thành cuốn sách mở đầu bằng dòng “Bà Dalloway nói sẽ tự đi mua hoa”. Bà Dalloway Clarissa sẽ đại diện cho tất cả những người vẫn còn tin vào hoa và tiệc tùng; Septimus cho những người đã bị tổn hại đến không còn khả năng hồi phục. Đó là một bức chân dung phức tạp về một địa điểm và một khoảnh khắc, đồng thời là sự mô tả sắc nét đến kinh ngạc về trải nghiệm đa dạng của việc sống một cuộc đời, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào.

     Một vài nhân vật trung tâm và hơn một trăm nhân vật phụ xuất hiện trong tiểu thuyết, và dòng suy tưởng của họ giăng ra phức tạp như hệ thống mạng nhện. Đôi khi các luồng suy nghĩ đan chéo nhau - và các nhân vật được trao cơ hội giao tiếp với nhau. Tuy vậy, thường xuyên hơn, dòng ý nghĩ của họ không giao cắt, đẩy các nhân vật vào cô lập. Woolf tin rằng đằng sau “mớ len” của cuộc sống (như bà gọi vậy trong tiểu luận tự truyện “Moments of Being”, 1941) và dưới trận mưa trút nước của sự ấn tượng làm bão hòa tâm trí trong từng khoảnh khắc, tồn tại một khuôn mẫu. Các nhân vật trong “Bà Dalloway” đôi lúc cảm nhận được khuôn mẫu này qua những cú sốc, hay cái mà Woolf gọi là “khoảnh khắc hiện hữu”. Thình lình lớp len rối bời được tách ra, và một người nhìn thấy thực tại và điểm đứng của mình ở trong đó, rõ ràng. Cuốn tiểu thuyết của Woolf cố gắng khám phá những cảm xúc rời rạc, chẳng hạn như sự tuyệt vọng, hay tình yêu, để tìm ra, thông qua những “khoảnh khắc hiện hữu”, một cách thức để ta chịu đựng và sống tiếp.

 

Virginia Woolf hút thuốc tại Garsington, Anh quốc, 1923
© Thư viện Houghton, Đại học Harvard

 

     Vào đầu thế kỷ 20, các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường được coi là tưởng tượng, là đáng xấu hổ hay là sản phẩm của sự yếu kém đạo đức. Virginia Woolf điên, bà cũng là nạn nhân của thời đại, nhưng căn bệnh cũng cho bà cơ hội chứng kiến tận mắt sự vô cảm của các chuyên gia y tế. Một trong những bác sĩ của Woolf gợi ý rằng nghỉ ngơi nhiều và ăn uống bổ dưỡng sẽ giúp bà hồi phục hoàn toàn, phương pháp điều trị này được kể lại trong “Bà Dalloway”, như một cách lên án sự xem nhẹ của bộ máy y tế với các bệnh lý tâm thần, việc đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh nhiều người lính đang trở về nhà từ chiến trường, mang theo những vết sẹo tâm lý.

     Trong một cơn điên của mình, Woolf nghe thấy tiếng chim hót như những bản đồng ca Hy Lạp, và vua Edward dùng ngôn từ thô tục giữa những cây đỗ quyên. Năm 1941, khi nước Anh bước vào thế chiến thứ hai, và khi một cuộc đổ vỡ bắt đầu trong đời bà, mà bà lo sợ rằng sẽ là vĩnh viễn, Woolf đã cho một hòn đá nặng vào túi và dìm mình xuống sông Ouse.

 

Như cái cách mà Septimus đã chọn
© MassArt Illustration Thesis 2019

 

* Nguồn đọc thêm:

  1. Bà Dalloway của Virginia Woolf
  2. A Lifetime of Lessons in “Mrs. Dalloway” - By Jenny Offill
  3. Marriage and Madness in Mrs Dalloway By ASAD HASSAN ASAD HASSAN
  4. Michael Cunningham on Virginia Woolf’s Literary Revolution
  5. Woolf, Virginia, 1882-1941. Virginia Woolf Monk's House photograph album (MH-4), 1890-1947 (inclusive), 1923-1939 (bulk). MS Thr 651.Harvard Theatre Collection, Houghton Library, Harvard University, Cambridge, Mass.

DEMEDI

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi
popup

Số lượng:

Tổng tiền: