Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ
- 20%

Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ

Brian Eyler
238.400₫ 298.000₫
Công ty phát hành PHANBOOK
Năm xuất bản 2020 - 07
Kích thước 14 x 20.5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 425
Nhà xuất bản Nhà xuất bản Phụ Nữ
Dịch giả Nguyễn Đình Huỳnh
Gọi đặt mua: 0902711894

Cứ độ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, mưa nhiều ở thượng nguồn sông Mekong khiến mực nước dâng lên, rồi ồ ạt đổ tràn về hạ nguồn vùng trũng đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm này, dân bản địa gọi là mùa nước nổi. Với đất miền Tây Nam Bộ, lũ lụt là trái ngược của thiên tai. Có thể gọi là thiên phước, nếu từ đó có nghĩa.

Con nước về quạch đỏ phù sa nhấn chìm làng mạc, ruộng vườn, nhà cửa.

Sáng sáng, một cậu học trò chèo xuồng đi học, dọc ngang giữa mạng lưới giao thông đường bộ nay đã trở thành đường thủy. Cậu có thể ghé nhà hàng xóm đón một thằng bạn chung lớp nhờ quá giang, rồi í ới chào bạn bè được tía má đèo trên những chiếc võ lãi, những chiếc xuồng ba lá chạy qua.

Chiều, cậu học trò chèo xuồng tan học, lấy những đụm cây điên điển bông vàng làm cột mốc, cậu ướm chừng hướng về nóc nhà mình. Tiện tay, cậu tuốt đầy một rổ điên điển, cái thứ bông ngọt ngọt nhẫn nhẫn, sinh ra để thuộc về nồi canh chua. Về đến nóc nhà mình, cậu lấy một chiếc rổ khác sục hú họa xuống biển nước lũ rồi vớt lên. Một mớ cá linh giãy lách tách xuất hiện trong lòng rổ vừa mới đây thôi chẳng có gì. Một màn ảo thuật tài tình.

Lát nữa thôi, dăm chú cá linh sẽ bơi chung cùng điên điển, một tí me dầm và lá me, vài nhánh bạc hà cộng với rau thơm. Những chú cá còn lại thì được chiên giòn, đặt cạnh chén mắm me chua chua mặn mặn. Gia đình cậu học sinh có một bữa tối không khác gì ăn nhà hàng.

 

 

Đó là câu chuyện của hơn ba mươi năm trước, ở đất Mộc Hóa, Long An.

Cậu học trò nay đã bước qua tuổi 40. Mỗi lần thèm canh chua, cậu hay ra siêu thị mua từng nhúm bông điên điển đóng gói sẵn có xuất xứ từ Thái Lan, với cái giá khó hiểu so với khối lượng của nó. Bạn ghé chơi nhà, cậu học trò tìm mỏi mắt mới ra một gian hàng bán cá linh non đầu mùa trên Shopee, cậu bấm bụng bỏ tiền mua về làm lẩu. 250.000 đồng cho 500 gram thứ cá cậu từng úm ba la biến ra đầy rổ.

Miền Tây xưa nay nổi tiếng đẻ ra những người con hào sảng, cộng đồng nông dân sống sung túc và hạnh phúc nhờ vào mảnh đất lành được dòng Mekong tắm tưới phù sa. Nhưng cảnh con nước lên bây giờ đâu còn nguyên vẹn.

Ngày nay mùa mưa ở miền Tây Nam Bộ có xu hướng ngắn lại và mùa khô dài ra. Mùa xuân năm 2016, miền Nam chứng kiến đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Bây giờ, ghé ngang một xóm trọ lụp xụp ở Sài Gòn, bạn có thể gặp nhiều người miền Tây hơn là ở chính quê hương họ.

Chuyện gì đã xảy ra ở miền Tây?

Nếu một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc xoáy ở Texas thì một con đập thuỷ điện được xây dựng ở bất cứ nơi nào giữa thân mình sông Mekong cũng chắc chắn ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyến du khảo xuôi dòng Mekong của Brian Eyler chất vấn cặn kẽ loạt tác động domino đến từ mỗi cư xử dù là nhỏ nhất của con người sống dọc sông và dựa sông. Cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ" là kết quả của chuyến thực địa này.

 

 

Bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, chảy hơn một nửa chiều dài của nó qua Trung Quốc, “sông Mekong dài 4.300km và chạy qua hay tạo thành đường biên giới của Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.” Cuộc hành trình của tác giả bắt đầu với thung lũng ẩn khuất Vũ Băng - “thiên đường hạ giới cuối cùng” ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, từ đó ông bắt đầu khảo sát hàng loạt những dự án đập thuỷ điện đã và sẽ mọc lên ở các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Ông tìm đến những người dân bản địa hiểu về đất của mình, những dân bản địa đang khổ sở loay hoay với chính sách khai thác và tái định hình dòng Mekong trong mấy chục năm gần đây, những dân bản địa đấu tranh để giành giật lại kế sinh nhai của nhiều đời cha ông mình, những dân bản địa chọn thay đổi để thích nghi với việc con sông ngày nay không còn hào phóng như mấy chục năm trước.

Mỗi cộng đồng dân có vấn đề riêng của mình, nhưng không khó để phát hiện những mẫu số chung. Mẫu số chung phổ biến nhất là việc hàng triệu người mất đi sinh kế khi chính quyền tuyên bố sở hữu một dòng sông và đặt ra những hoạch định thu lợi từ nó, rồi đuổi đi những cộng đồng đã sống ở đây nhiều thế kỷ. Việc này trở thành đòn bẩy cho rất nhiều hệ lụy theo sau, và tác giả đã rất kiên nhẫn kể lại từng quân domino trước đánh sập quân sau như thế nào. Dưới đây là vài ví dụ.

- Xây đập Ô Lộng Long (Trung Quốc) > Cư dân làng Yến Môn ở ven sông bị chuyển đến tái định cư tại làng Tỳ Trung > Những ruộng lúa bậc thang của dân làng Tỳ Trung bị xóa sổ, những cây óc chó khổng lồ bị đốn hạ để nhường đất xây nhà cho dân mới đến > Dân làng Tỳ Trung không được đền bù thỏa đáng cho những thiệt hại này > Dân làng Tỳ Trung sẽ tổn thất thu nhập trong tương lai vì mất cần câu cơm > An ninh kinh tế của cộng đồng này sẽ hết sức nguy ngập

- Xây đập trên sông Nam Ou (Lào) > Công ty xây đập chỉ cấp đất lập làng tái định cư chứ không cấp ruộng trồng lúa / Đất tái định cư là đất cằn cỗi không thể trồng trọt > Dân làng phải thuê đất canh tác của làng bên cạnh > Hơn một nửa dân làng ngập trong nợ nần

- Lấp hồ Boeung Kak (Campuchia) để xây dự án > Cư dân phải di dời đến làng tái định cư cách đó 20km > Các thành viên cộng đồng tái định cư bị giảm thu nhập đáng kể so với trước đây, họ khó tiếp cận y tế, giáo dục và nước > Thất nghiệp tăng cao, các triệu chứng trầm cảm và lo âu hiển hiện. “Nhiều người trong số này là nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ. Cuộc sống, đối với họ, là chuỗi bi kịch không dứt.”

 

 

Tác giả dành sự quan tâm đặc biệt đến những cộng đồng Zomia, khái niệm địa lý để chỉ các miền cao của vùng Mekong cùng những vùng đất ngập nước và đầm lầy - những khu vực mà nhà nước khó xâm nhập. Địa hình này là “khu vực nương náu của các nhóm sắc tộc chọn trốn tránh các nền văn minh đồng bằng đang bành trướng như Trung Quốc, Việt Nam hay Thái Lan.” Các cộng đồng dân cư Zomia xưa có thể duy trì một khoảng cách với các chính quyền cai trị và giữ được sự độc lập của họ là nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào sẵn có xung quanh. Họ ít phụ thuộc vào sự giàu có tiền tệ mà tự hào về sự giàu có sản vật và bản sắc văn hoá.

Nhưng việc đó đang thay đổi. Khi những trung tâm quyền lực tham lam mang danh nghĩa “hiện đại hóa" để xây dựng những tuyến đường, những cơ sở vật chất phục vụ du lịch ở khắp Zomia, họ cướp trắng trợn quyền kiểm soát tài nguyên và láo xược hủy hoại kết nối văn hoá bản địa.

Rồi tóm lại, điều gì đã xảy ra với đồng bằng sông Cửu Long?

Tất cả mọi thứ:

- Các đập của Trung Quốc ở Thượng Mekong giữ lại hơn một nửa toàn bộ trầm tích trong hệ thống sông Mekong. Trầm tích do lũ lụt hàng năm của con sông mang lại là phần tạo lập cơ bản của đồng bằng sông Cửu Long. Không có nó, đất của đồng bằng sẽ rã ra trong điều kiện tự nhiên.

- Trầm tích mất đi cũng làm xói mòn bờ sông, khai thác cát ở lòng sông cũng đẩy nhanh quá trình xói mòn này. Các công trình ven bờ bị kéo xuống lòng sông, những mảng thực vật được trồng để giữ bờ bị xé rách, người người mất nhà cửa, tài sản, gia súc, nông cụ.

- Mực nước biển dâng cao khiến đất đồng bằng bị xâm nhập mặn, hệ thống đê ở thượng nguồn chặn lại một lượng nước sông đáng kể khiến miền Tây khát lũ, không có lũ tẩy rửa nước mặn, đất đồng bằng cơ bản là không thích hợp cho trồng trọt.

- Nông dân chuyển sang khai thác nước ngọt từ các mạch nước ngầm sâu trong đất khiến đất mất chân rồi sụt lún.

- Đồng bằng sông Cửu Long phải chịu trách nhiệm làm “vựa lúa của khu vực", người dân được khuyến khích tăng vụ, từ 1 vụ lúa tăng lên thành 2 vụ, rồi 3. Trồng 3 vụ lúa một năm rút cạn chất dinh dưỡng của đất. Người nông dân chi nhiều cho phân bón và thuốc trừ sâu hơn. Rốt cuộc chất lượng lúa giảm xuống mà người nông dân vẫn chẳng lời lãi bao nhiêu. Số phân bón và thuốc trừ sâu trong đất sẽ theo cống rãnh đi vào sông. “Thời đó chúng tôi ăn rau dại hái từ các cánh đồng và bờ sông. Chúng tôi có những dòng sông trong xanh, mọi người đều tắm sông. Giờ không ai dám tắm sông nữa. Nước giờ chảy ra từ những cánh đồng ô nhiễm thuốc trừ sâu gây ngứa.”

- Nghề nông thất thế, con cháu nông dân lũ lượt kéo nhau lên thành phố lớn để làm công nhân, tạo ra những làn sóng di dân nội địa, con cháu tiếp sau của thế hệ này sẽ mất kết nối với quê hương, một sự đứt gãy văn hóa đang diễn ra.

 

 

Vì sự ngạo mạn nào của loài người mà làm trái đất nóng lên? Làm băng tan? Làm nước biển dâng? Làm các loài vật tuyệt chủng? Làm mất rừng? Làm dòng sông vốn hào sảng và bao dung đến thế cằn cỗi đi và chết dần?

Xa xưa, biết bao cộng đồng người đã tìm ra cách sống chung hòa hợp với thiên nhiên chứ không chống lại nó. Đó là câu chuyện mà người hiện đại bây giờ lật lại, đặt khái niệm “phát triển bền vững", rồi loay hoay cố giải câu đố đã có đáp án từ đời nào.

Tác giả nhắc đi nhắc lại khái niệm “kết nối", ông mong rằng đây sẽ là thông điệp được độc giả học thuộc lòng sau khi gấp sách lại.

“Tiến sĩ Dương Văn Ni nói: “Dòng sông tự nó không có Thượng hay Hạ Mekong. Cả hệ thống này là một. Không có phần Thượng Mekong thì không có vùng đồng bằng. Không có hoạt động dọc theo dòng sông, đi qua Lào, đi qua Thái Lan, đến Campuchia, thì sẽ không có sự đa dạng sinh học phong phú của dòng Mekong. Tôi thích so sánh dòng sông với cây. Thân cây không tự phát triển một mình. Nó phát triển nhờ tán, lá, rễ. Khi nghĩ về sông Mekong, anh nên nghĩ nó giống như một cây xanh. Nếu nó chỉ là thân cây, thì dân ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia hay Việt Nam nghĩ rằng phần thuộc về họ là phần quan trọng nhất. Nhưng không phải vậy. Nếu người ta cắt tất cả các nhánh của cây, thân cây sẽ chết. Nếu người ta cắt rễ của cây, thân cây sẽ chết. Vì thế, nếu chúng ta muốn bảo tồn dòng Mekong hùng vĩ này, chúng ta phải nhìn vào tất cả các phần của dòng sông vốn được kết nối thành hệ thống”, ông kết luận.”

 

 

Thử mang theo cuốn sách này làm hành trang đi ngược từ hạ nguồn lên thượng nguồn con sông, quan sát và lấy đồng bằng sông Cửu Long làm tham chiếu, có thể sẽ là một hành trình thú vị. Vì như tác giả nói, đồng bằng sông Cửu Long đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai của dòng Mekong. Miền Tây đã từng trù phú, đã từng cạn kiệt, rồi ngày nay đang nỗ lực tìm cách hồi sinh.

Rồi biết đâu, một cậu học trò gen Alpha sẽ xúc được rổ cá đầy?

popup

Số lượng:

Tổng tiền: