-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Nghệ thuật tiểu thuyết
29/05/2022
...
C.S: Nhưng chẳng phải mọi quyển tiểu thuyết đều tất yếu có tính tâm lý học ? Có nghĩa là chú trọng vào sự bí nhiệm của tâm hồn ?
M.Kundera: Ta cần nói rõ hơn: Từ muôn đời, tất cả tiểu thuyết đều chú trọng vào sự bí nhiệm của cái tôi. Ngay từ khi anh tạo ra một tồn tại tưởng tượng, một nhân vật, anh lập tức đối mặt với câu hỏi: cái tôi là gì ? Bởi đâu mà cái tôi có thể được nắm bắt ? Đó là một trong những câu hỏi nền tảng mà tiểu thuyết xét như chính nó đặt cơ sở. Thông qua những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này, nếu anh muốn, anh có thể phân biệt các khuynh hướng và có lẽ, các giai đoạn khác nhau theo lịch sử của tiểu thuyết. Đối với cách tiếp cận tâm lý học, những tiểu thuyết gia châu u còn không biết nó là gì. Boccace đơn thuần thuật lại cho ta những hành động và những cuộc phiêu lưu. Tuy vậy, đằng sau những mẩu chuyện thú vị ấy, cho thấy một niềm tin chắc chắn: chính qua hành động mà người ta thoát ly khỏi thế giới lặp đi lặp lại cái thường nhật, nơi đó mọi người hao hao y hệt như nhau; chính nhờ có hành động mà người ta phân biệt với kẻ khác - và hắn trở thành một cá thể. Dante nói rằng: “Trong mọi hành động, ý định chủ đạo của kẻ hành động chính nhằm khai mở hình ảnh của riêng hắn”. Thủa ban đầu, hành động được hiểu như là bức tự họa của kẻ hành động. Bốn thế kỉ sau Boccace, Diderot còn hoài nghi hơn: nhân vật Jacques kẻ theo thuyết định mệnh quyến rũ vợ chưa cưới của bạn mình, hắn say sưa trong hạnh phúc, bị bố đánh cho nhừ tử, một trung đoàn đi ngang qua, vì cay cú hắn nhập ngũ, và ngay trận đầu tiên hắn bị bắn vào đầu gối và bị tật từ đó. Hắn đã tưởng rằng mình bước vào một cuộc chơi tình ái, mà thực ra hắn tiến gần với sự tật nguyền của mình. Hắn không bao giờ nhận ra chính mình trong hành động. Giữa hành vi và hắn, một vết nứt mở ra. Con người ta muốn khai mở hình ảnh của chính mình, nhưng hình ảnh ấy không hề giống với hắn ta. Đặc tính mâu thuẫn của hành động chính là một trong những khám phá lớn của tiểu thuyết. Nhưng nếu cái tôi không được nắm bắt trong hành động thì ở đâu và làm sao ta có được nó ? Thời điểm sẽ đến khi mà tiểu thuyết, trong cuộc truy cứu cái tôi này, phải rời bỏ thế giới khả kiến của hành động mà chú tâm vào cái vô hình của nội tâm. Vào giữa thế kỉ XVIII, Richardson phát kiến ra loại tiểu thuyết thư từ, nơi đó các nhân vật trao gửi các tâm tình cho nhau.
C.S: Tức là sự khai sinh của tiểu thuyết tâm lý ?
M.K: Thuật ngữ này tất nhiên không thật chính xác. Tốt nhất nên tránh dùng nó, mà hãy nói vòng quanh: Richardson đã phóng tiểu thuyết vào con đường thám hiểm đời sống nội tâm của con người. Ta hẳn đã đoán ra những kẻ hậu thế: Goethe của Werther, Constant, rồi Stendal và các nhà văn cùng thế kỉ ấy. Cao trào của cuộc cách mạng ấy, đối với tôi, chính là Proust và Joyce. Joyce phân tích một thứ gì đó còn không thể nắm bắt hơn cả cái “thời gian đã mất” của Proust: chính là khoảnh khắc của hiện tại. Có vẻ không gì hiển nhiên hơn, dễ hiểu và hiển hiện hơn cái khoảnh khắc hiện tại. Ấy thế mà nó hoàn toàn vuột khỏi ta. Tất cả khốn khổ của cuộc đời chính là ở đấy. Trong một giây duy nhất, cái nhìn, cái nghe, cái ta ngửi ghi nhận (cố tình hay tự động) một khối lượng sự kiện và trong đầu ta, diễn ra một chuỗi những cảm giác và ý niệm, tái hiện một vũ trụ nhỏ, và bị quên lãng không gì vãn hồi được ngay tại thời khắc sau. Ấy vậy, cái kính hiển vi của Joyce biết cách chặn đứng, nắm bắt cái thời khắc hư ảo ấy và cho ta thấy. Nhưng cuộc truy tầm cái tôi một lần nữa lại kết thúc bằng một mâu thuẫn: kính hiển vi ấy càng lớn, thì cái tôi và tính thống nhất của nó càng vuột khỏi ta: dưới thấu kính của Joyce, tách tâm hồn thành nguyên tử, chúng ta hoàn toàn như nhau. Nhưng nếu cái tôi và đặc tính độc nhất của nó không thể nắm bắt bên trong đời sống của con người ta, thì ở đâu và làm sao ta nắm được chúng ?
C.S: Nhưng ta có thể nắm bắt được chăng ?
M.K: Tât nhiên là không. Cuộc truy tầm cái tôi đã và sẽ luôn kết thúc trong một mâu thuẫn không bao giờ thỏa mãn. Tôi không bảo là thất bại. Vì tiểu thuyết không thể vượt khỏi những giới hạn của chính khả thể của mình, và việc soi sáng vào các giới hạn này cũng đã là một sự khai phá vĩ đại, một thành quả nhận thức khổng lồ. Dẫu là như thế, sau khi đã chạm đến đáy, bao gồm sự thám hiểm chi tiết đời sống nội tâm, những tiểu thuyết gia lớn lại bắt đầu tìm kiếm, dù ý thức hay không, một hướng đi mới. Ta hay nói về bộ ba thần thánh của tiểu thuyết hiện đại: Proust, Joyce, Kafka. Nhưng, theo tôi thì bộ ba này không hiện hữu. Trong lịch sử tiểu thuyết của cá nhân của tôi, chính Kafka đã mở ra một hướng đi mới: hướng đi hậu-Proust. Cách mà ông hình dung cái tôi hoàn toàn bất ngờ. Nhờ đâu mà K. được định nghĩa như là độc nhất ? Không phải nhờ vào bề ngoài (ta không rõ), cũng không phải tiểu sử (ta không biết), không phải qua tên (thậm chí không có), không phải hồi tưởng , hay xu hướng, phức cảm của anh. Nhờ hành xử chăng ? Vùng tự do hành động của K. bị giới hạn một cách khốn khổ. Qua các suy tưởng nội tâm ? Đúng vậy, Kafka theo suốt không dứt những suy tưởng của K., nhưng thứ này hoàn toàn hướng về tình huống hiện tại: cần phải làm gì ở đây, ngay lúc này ? đi đến chỗ thẩm vấn hay trốn tránh ? tuân theo lời gọi của mục sư hay không ? Toàn bộ cuộc sống nội tâm của K. hoàn toàn bị hấp thụ bởi tình huống mà anh thấy mình kẹt cứng, và không có gì có thể vượt ra khỏi tình huống ấy (những hồi tưởng của K., những suy tưởng siêu hình, những quan tâm về người khác) không hề mở ra cho ta. Với Proust, thế giới bên trong con người cấu thành một phép màu, một vô hạn không ngừng khiến ta ngạc nhiên. Nhưng đó không phải là sự ngạc nhiên của Kafka. Ông không tự hỏi những động cơ bên trong nào quy định hành xử của con người. Ông đặt một câu hỏi triệt để khác hẳn: những khả thể còn lại nào cho con người trong một thế giới mà những sự quy định bên ngoài đã trở nên ngột ngạt đến độ những động cơ bên trong không còn chút ý nghĩa gì ? Quả thật, có gì thay đổi với số mệnh và thái độ của K. nếu anh có xung năng đồng tính hay một chuyện tình trước đó ? Không gì hết.
C.S: Đó là điều ông nói đến trong Đời Nhẹ Khôn Kham: “Tiểu thuyết không phải là một tự thuật của tác giả, mà là một sự khám phá cái gì là cuộc sống của con người bên trong cái bẫy mà thế giới đã trở thành”. Nhưng cái bẫy ở đây muốn nói đến điều gì ?
M.K: Cuộc đời là một cái bẫy, điều này ta đã biết từ lâu: người ta sinh ra mà không đòi hỏi được sinh ra, cầm tù trong một thân xác mà ta không lựa chọn và số mệnh là phải chết. Ngược lại, không gian của thế giới luôn cấp cho ta một khả thể đào thoát. Một người lính có thể đào ngũ và bắt đầu cuộc sống khác ở xứ lân cận. Trong thế kỉ của chúng ta, từ từ, thế giới tự khép lại xung quanh ta. Sự kiện quyết định sự chuyển hóa này của thế giới chắc hẳn là cuộc chiến năm 14, được gọi (lần đầu trong Lịch Sử) là đại chiến thế giới.
Không hề là thế giới. Nó chỉ liên quan đến Châu u và cũng không phải tất cả Châu u. Nhưng tính từ “thế giới” đúng hơn diễn tả một cách mạnh mẽ cảm giác kinh hoàng trước sự kiện rằng, từ đây, không có gì diễn ra trên hành tinh này sẽ chỉ còn có tính địa phương, rằng tất cả tai họa đều liên quan đến toàn thể thế giới, và rằng, do vậy, chúng ta càng ngày càng bị quy định từ bên ngoài, bởi những tình huống mà không ai có thể thoát ra được và điều này khiến ta càng trở nên giống nhau.
Nhưng ý tôi là, nếu tôi đứng ngoài cái gọi là tiểu thuyết tâm lý, điều này không muốn nói rằng tôi muốn tước đi cuộc sống nội tâm của các nhân vật. Nó chỉ muốn nói rằng mà tiểu thuyết của tôi trước tiên theo đuổi những những bí nhiệm khác, những câu hỏi khác. Điều này cũng không muốn nói rằng tôi bác bỏ những tiểu thuyết quan tâm đến tâm lý học. Sự thay đổi về tình thế từ sau Proust đúng hơn làm tôi cảm thấy hoài tưởng. Cùng với Proust, một cái đẹp mênh mông từ từ xa rời chúng ta. Mãi mãi và không phục hoàn. Gombrowicz có nói một ý vừa tếu táo vừa tài tình lắm. Ông bảo là, sức nặng của cái tôi phụ thuộc vào số lượng của dân số trên hành tinh này. Như vậy, Democrite đại diện cho một phần bốn trăm triệu nhân loại, Brahms một phần một tỉ, bản thân Gombrowicz là một phần hai tỉ. Dưới góc độ số học, sức nặng của cái vô hạn của Proust, sức nặng của một cái tôi, của đời sống nội tâm của một cái tôi, càng ngày càng nhẹ hơn. Và trong cuộc đua đến với tính kinh khoát, ta đã vượt qua một giới hạn chết người.
C.S: “Tính khinh khoát khôn kham” của cái tôi là ám ảnh của ông, kể từ những trước tác đầu tiên. Tôi nghĩ đến Những mối tình nực cười, như truyện Edouard và Thượng Đế. Sau đêm tình đầu tiên với cô gái Alice, Edouard bị xâm chiếm bởi một sự khó ở kì lạ, có tính quyết định đối với câu chuyện: anh hình người yêu của mình và tự nhủ “rằng những ý tưởng về Alice thực chất chỉ là một vật được dán vào số mệnh của anh, và rằng số mệnh anh chỉ là một vật dán lên cơ thể anh, và anh chỉ còn thấy nơi cô một tổ hợp vô cơ, trừu tượng và nhất thời”. Và trong một mẩu khác, Trò chơi đi nhờ xe, cô gái trẻ, trong đoạn cuối của truyện, hoàn toàn bị đảo lộn bởi sự không chắc chắn về căn tính của mình, đến nỗi cô nức nở mà nhắc đi nhắc lại: “tôi là tôi, tôi là tôi, tôi là tôi…”
M.K: Trong Đời Nhẹ Khôn Kham, Tereza ngắm mình trong gương. Cô tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mũi của mình mỗi ngày dài thêm một milimet. Đến lúc nào thì gương mặt cô sẽ không còn có thể nhận biết nữa ? Và nếu gương mặt ấy không còn gì giống với Tereza, vậy Tereza có còn là Tereza ? Đâu là nơi bắt đầu và kết thúc cái tôi ? Cô thấy đó: không còn gì ngạc nhiên trước cái vô tận khôn lường của tâm hồn. Đúng hơn là sự ngạc nhiên trước sự bấp bênh của cái tôi và tính đồng nhất của nó.
C.S: Có một sự thiếu vắng hoàn toàn của độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết của ông.
M.K: Bên trong sọ của Bloom, Joyce đặt vào đó một micro. Nhờ vào trò gián điệp kì ảo này, chính là độc thoại nội tâm, mà ta biết được vô vàn thứ về chính mình. Nhưng tôi lại không biết dùng cái micro đó.
C.S: Trong Ulysse của Joyce, dòng độc thoại nội tâm xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết, nó là cơ sở cho kết cấu của tiểu thuyết, diễn trình quyết định. Liệu suy tưởng triết học, nơi ông, có đóng vai trò ấy không ?
M.K: Tôi thấy từ “triết học” không phù hợp. Triết học phát triển tư duy của mình trong một không gian trừu tượng, không nhân vật, không tình huống.
C. S. : Ông bắt đầu Đời Nhẹ Khôn Kham bằng một suy tưởng về sự quy hồi vĩnh cửu của Nietzsche. Đó là gì nếu không phải là một suy tưởng triết học được phát triển một cách trừu tượng, không nhân vật, không tình huống ?
M.K: Không hề ! Suy tưởng ấy dẫn vào một cách trực tiếp, từ dòng đầu tiên, vào tình huống nền tảng của một nhân vật - Tomas; nó trình bày vấn đề của anh ấy: sự nhẹ nhàng của hiện hữu trong cái thế giới không có quy hồi vĩnh cửu. Cô thấy đó, chúng ta cuối cùng quay lại câu hỏi của mình: cái gì nằm bên kia cái gọi là tiểu thuyết tâm lý ? Nói cách khác: phương pháp phi tâm lý học nào có thể nắm bắt cái tôi ? Với tôi, nắm bắt cái tôi, trong tiểu thuyết muốn nói rằng nắm bắt cái bản chất vấn đề hiện sinh của nó. Nắm bắt mã số hiện sinh của nó. Khi viết Đời Nhẹ Khôn Kham, tôi nhận ra rằng mã số của nhân vật này hay kia được tổ hợp từ một vài từ khóa. Với Tereza: thân xác, tâm hồn, cơn xây xẩm, sự yếu đuối, thôn dã, Thiên Đàng. Với Tomas: nhẹ nhàng, trọng lực. Trong chương Những từ không hiểu, tôi xem xét mã số hiện sinh của Franz và Sabina bằng cách phân tích một số từ: phụ nữ, chung thủy, phản bội, âm nhạc, bóng tối, ánh sáng, đoàn diễu hành, cái đẹp, tổ quốc, nghĩa trang, sức mạnh. Mỗi một từ này có ý nghĩa khác nhau trong mã số hiện sinh của người khác. Tất nhiên, mã số ấy không được xem xét một cách trừu tượng, nó dần được hiển lộ trong hành động, trong các tình huống. Lấy Cuộc Sống Không Ở Đây là ví dụ, phần thứ ba, nhân vật chính, anh chàng Jaromil dè dặt, vẫn còn là một cậu trai. Một ngày, anh đi dạo cùng người bạn gái, và đột nhiên cô tựa đầu lên vai anh. Anh hạnh phúc tột đỉnh và thậm chí bị kích thích hoàn toàn. Tôi dừng ngay ở sự kiện nhỏ ấy và nhận xét : “hạnh phúc lớn nhất mà Jaromil biết đến, đó là cảm thấy mái đầu cô gái trẻ tựa lên vai mình”. Từ chỗ này, tôi cố gắng nắm bắt nhục cảm của Jaromil: “Một mái đầu của cô gái với anh ấy có nghĩa là cơ thể của cô gái”. Đúng hơn điều này không muốn nói rằng cơ thể không có tác động gì đến anh, nhưng mà “anh không ham muốn sự trần trụi của một cơ thể cô gái; anh khao khát gương mặt của cô gái rọi sáng từ sự trần trụi của cơ thể. Anh không ham muốn sở hữu cơ thể của cô gái; anh khao khát sở hữu gương mặt cô gái và gương mặt ấy ban tặng anh cái cơ thể như minh chứng của tình yêu.”. Tôi thử đưa cho thái độ ấy một cái tên. Tôi chọn Sự Dịu dàng. Và tôi xem xét từ ấy: vậy, dịu dàng có nghĩa là gì ? Tôi đi đến hai câu trả lời liên tiếp: “Sự dịu dàng nảy ra vào khoảnh khắc ta bị vứt vào biên của tuổi trưởng thành và ở đó ta bồn chồn nhận ra những lợi thế của tuổi thơ mà ta đã không hiểu khi ta còn nhỏ.” Tiếp tục: “Sự dịu dàng, chính là nỗi sợ hãi gợi nên bởi tuổi trưởng thành.”. Và tiếp: “Dịu dàng, chính là tạo ra một không gian nhân tạo nơi đó người kia được cư xử như trẻ thơ”. Cô thấy đấy, tôi không chỉ ra điều gì diễn ra trong đầu Jaromil, đúng hơn là điều gì diễn ra trong đầu tôi: tôi từ tốn quan sát chàng Jaromil của mình, tôi cố gắng từng bước gần hơn với trung tâm của thái độ ấy, để hiểu, để gọi tên và nắm bắt nó.
Trong Đời Nhẹ Khôn Kham, Tereza sống cùng Tomas, nhưng tình yêu đòi hỏi từ phía cô phải huy động toàn bộ sức lực, và đột nhiên, cô không thể tiếp tục nữa, cô muốn quay đầu lại, “về bên dưới”, chính là nơi mà cô đến. Và tôi tự nhủ: điều gì xảy ra với cô ? Và tôi tìm thấy câu trả lời: cô bị xâm chiếm bởi cơn xây xẩm. Nhưng xây xẩm là gì ? Tôi đi tìm định nghĩa trong từ điển và tôi nói rằng: “sự choáng váng, một khao khát không vượt qua được muốn rơi xuống”. Nhưng ngay lập tức điều chỉnh và tôi làm rõ định nghĩa: “...bị xây xẩm chính là say đắm với sự yếu đuối của mình. Ta có ý thức về sự yếu đuối của mình và ta không muốn kháng cự, mà phó mặc cho nó. Ta say đắm với sự yếu đuối của chính mình, ta muốn càng yếu đuối hơn nữa, ta muốn sụp ngã giữa đường trước mọi người, ta muốn nằm với đất, còn thấp hơn cả đất.” Cơn xây xẩm là chìa khóa để hiểu Tereza. Đó không phải là chìa khóa để hiểu cô hay tôi. Tuy vậy, cả cô và tôi, ta biết loại xây xẩm ấy, ít nhất như khả thể của ta, một trong những khả thể hiện sinh của ta. Tôi phải phát minh ra Tereza, một “cái tôi thử nghiệm”, để thấu hiểu khả thể ấy, để hiểu cơn xây xẩm...
Nguyễn Anh Cường trích dịch