Ngày vàng

21/08/2022

ngồi đọc
      ở đây .


Golden days before they end
Hình: Klaus Pichler. Viết: Clemens Marschall

 

Người đàn ông bước vào quán bar, ba gã ma cà rồng bước vào quán bar, một mục sư bước vào quán bar, một con khỉ đột bước vào quán bar, Julius Caesar bước vào quán bar, con vịt bước vào quán bar và…

Có điều gì hấp dẫn về không gian quán bar mà khi một ai đó hay một thứ gì đó bước vào thì đều tạo cơ hội cho một trò hài?

Sách ảnh “Golden Days Before They End” (Tạm dịch: “Ngày vàng trước khi tàn lụi”) thu nhặt từng mẩu lý do để giải thích cho câu hỏi bâng quơ này.
 

 

Klaus Pichler bước vào quán bar, và một thế giới thô ráp-vặn vẹo-kỳ quặc sống dậy.

Rất thường khi, lúc bạn say, bạn nghĩ ra một sáng kiến vĩ đại nào đó, hay bạn thực hiện một hành động nghĩa hiệp mà bạn sẽ không bao giờ động tay lúc tỉnh, hay tệ hơn, bạn gây ra một ký ức đáng quên. Và những chuyện đó trôi qua. Trôi qua và biến mất chẳng tăm hơi như đúng nghĩa của nó. Klaus Pichler ở đó, anh bắt giữ những khoảnh khắc như vậy trong những quán bar ở Vienna, Áo và chặn đứng thời gian trên con đường tháo chạy của nó. Anh xây nên một vũ trụ song song và cho những nhân vật của anh quyền được tước bỏ địa vị của mình, để nhờ ở quầy gửi đồ bên ngoài cửa quán. Anh có thể là cảnh sát, cô có thể là gái điếm, chàng kia hẳn là nhà ngoại giao, hay gã nọ trông dáng dấp nông dân chân bùn. Ai cũng được, họ là người đến uống. Và quậy phá, và đánh nhau, và chửi rủa, và bài bạc, và làm tình, và cười lớn, và khóc to, và mèo, và chó... 

 

 

Còn Clemens Marschall thì bước đến quầy bar, ngồi xuống gọi một bia và nói chuyện phiếm với gã bartender. Anh ghi lại những mẩu chuyện nhỏ của chủ quán, trình bày chúng như những lời nói - những lời hét to để át tiếng nền ồn ào láo nháo. Đầy những kịch tích, nhưng hoàn toàn giản dị.
 

Ờ đúng rồi, tuần trước có một gã nông dân tới đây, xỉn quắc cần câu rồi, gã nói với bạn, “Ê tui bán cho ông hai con bò nha.” Gã hết tiền, gã bán bò để có tiền uống thêm vài li.
Daniel Kerner, Schweden Espresso

Có ông cảnh sát kia tới đây uống liên tục ba tháng liền, rồi ba bốn tháng tiếp đó ổng nghỉ uống. Có lần ổng tới, la lớn “Hôm nay là sinh nhật tui!”. Hai ngày sau, ổng lại tới rồi lại la lớn, “Hôm nay sinh nhật tui, nhậu đi!”. “Thiệt hả?”, tôi hỏi. “Thêm cái sinh nhật nữa!”. Ổng cứ kiểu đó mấy tuần liền, cho tới khi ổng quyết định nghỉ uống một đợt nữa.
Hubert Pesata, Café Blackout

 

 

Chỗ này chẳng đẹp đẽ gì, nhưng khách khứa họ không thích khi tôi sửa sang một chút, họ muốn mọi thứ y chang như nó vẫn thế. Có lần tụi tôi sơn lại quầy bar, một người khách nọ, xỉn rất là xỉn, cầm cái ly quăng thẳng vô tường. Tôi la, “Chó gì vậy? Ông điên mẹ rồi hả!?” Ông ta nói, “Chỗ này đủ đẹp rồi.” Những thằng ngu xung quanh ta thì vô số kể, nhưng đó là con người họ, ta chịu vậy. Ta không bao giờ thay đổi họ.
Erich, Stehbeisl Helga

Lâu lâu ở đây có những khách đến than vãn kêu ca vì bị bồ đá. Hầu hết những khi như vậy, tôi nghĩ, “Mẹ, bị đá cũng phải. Nếu là tôi, đừng hòng tôi chịu đựng ông một giây phút nào!”
Erika Schilling, Zur Schilling

 

 

Những nhà ngoại giao đến vào sáng sớm để uống cà phê trước khi đi làm. Cùng lúc, gái điếm đến đây sau ca làm khuya của họ. Họ ngồi xuống kế bàn ngoại giao và gọi một chai Chardonnay. Năm phút sau, họ đang nhảy múa uốn éo trên bàn của một gã ngoại giao nào đó đã trả tiền cho chai tiếp theo của họ - cả đám quẩy hết mình. Tới chiều, tụi ngoại giao vẫn còn ở đây, với mớ cà-vạt nhàu nhĩ và mặt đầy vết son môi. Buổi sáng khi nào cũng sôi động vì đó là lúc những mớ người khác nhau được vứt vào cùng một chỗ.
Ulrike Kerner, Schweden Espresso 

 

 

Có rất nhiều người bất hạnh. Một vài người khốn đốn tới nỗi mình phải tự dẫn họ tới văn phòng phúc lợi. Tôi thường làm việc từ thiện - đôi lúc bao đồng hơi quá. Cũng bị lợi dụng nhiều. Có một khách đến trong tình trạng trắng tay, cô đang ở vực thẳm và không tìm thấy lối ra. Tôi đem cổ về nhà mình và nói cổ, “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Mình sẽ từ từ giải quyết từng chuyện một.” Cuối cùng tụi tôi cũng xoay xở được cho cổ một chỗ trong nhà hội đồng. Xong cổ gạt tiền tôi.
Getrude Marek, Salzamt 

Chủ trước của Café Dincer thường mở rộng cửa cho bọn chống đối xã hội - lũ rác rưởi. Ổng phải dằn mặt một thằng nợ tiền rượu ổng rất nhiều, “Muốn uống nữa thì trả hết tiền đây!”. Gã khách to lớn trả lời, “Nào nào, Dincer, một chai bia nữa thôi, để tôi đem về.” Ông chủ nói, “Muốn bia thì bj tao.” Thế là họ biến mất, vào toilet. Thằng gớm ghiếc đó làm thật, rồi còn nói, “Kệ mẹ, tao chả thá gì, miễn là tao được chai bia.”
Manuela, Manuelas Pub

 


Quán xá sẽ (đã) chết, con người cũng chết. Tìm đâu nữa những nơi trú ẩn thế này?
 

DEMEDI

 

 

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi
popup

Số lượng:

Tổng tiền: