-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tiểu thuyết Mười năm kể về cuộc sống ở một làng thợ dệt từ thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936 – 1939) đến sau ngày tổng khởi nghĩa tháng 8.1945. Cái làng quê ấy có vẻ là vùng Nghĩa Đô – Nghĩa Tân thuộc tỉnh Hà Đông cũ, quê hương của nhà văn. Những người thợ dệt vải dệt lụa sôi nổi tham gia hội Ái Hữu hội Tương Tế, tuyên truyền về Mặt trận Bình dân bên Pháp, mượn thời cơ thuận lợi để vận động dân làng đấu tranh với chính quyền thực dân. Phong trào tạm lắng và chịu nhiều tổn thất trong nạn đói 1945 do phát xít Nhật gây ra, rồi lại bùng lên thành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thường gọi là Cách mạng tháng 8.1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiểu thuyết khép lại khi Trung, một chiến sĩ cách mạng lên đường tham gia đoàn quân vệ quốc kháng chiến ở Nam bộ, chống thực dân Pháp quay trở lại miền Nam.
“Viết Mười năm, Tô Hoài có ý thức khái quát cả một thời kỳ lịch sử của một vùng quê dệt cửi qua những chặng đường đấu tranh từ phong trào Ái hữu ở thời kỳ Mặt trận Dân chủ, rồi phong trào Việt Minh sôi nổi thời kỳ Tiền khởi nghĩa cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công. Tô Hoài đã khai thác câu chuyện ở làng Hạ với biết bao biến động, đổi thay. Tô Hoài viết về miền đất quen thuộc, gần gũi của quê hương mà ở đấy ông đã sống những ngày nhiều kỷ niệm…” - GS. Hà Minh Đức
Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) tên thật là Nguyễn Sen. Sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ trước 1945 trong Hội Ái hữu Công nhân, Hội Văn hóa Cứu quốc.
Ông từng làm phóng viên rồi làm Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc. Năm 1957-1958 ông làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó làm Phó Tổng Thư ký trong nhiều năm. Từ 1986-1996 ông làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội.
Ông viết hơn trăm tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau: bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, chân dung, tiểu luận… Tác phẩm được nhiều thế hệ độc giả yêu thích nhất là tập truyện thiếu nhi Dế Mèn phiêu lưu ký.
Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội.