-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Mất kết nối
06/02/2023
ngồi đọc
ở đây .
Hôm trước bạn qua tiệm chơi, trời đột nhiên mưa, sét đánh cái đùng, cúp điện. 3G bạn hết tiền, 3G mình chập chờn, bỗng nhiên cả bọn rơi vào trạng thái mất kết nối, khủng long nhảy. Bạn soi đèn pin tìm sách lựa mua, mình ghi bill bằng bút chì trên miếng giấy vụn. Tình huống trở nên vô cùng ướt át (vì trời mưa), và tối tăm (vì cúp điện), nhưng bằng một cách nào đó, tụi mình tìm được niềm vui. Rồi, tự nhiên hoặc không, cuộc trò chuyện của hai đứa lại đi đến và xoay quanh nghịch lý kết nối - mất kết nối mà chính tình cảnh lúc đó là ví dụ điển hình.
Bạn nói về một cuốn sách có chủ đề chứng trầm cảm trong thời đại 4.0, của tác giả Johann Hari. Bỏ qua những gì không liên quan, điều mình đang muốn kể là trích đoạn tạm dịch thế này:
Có một sáo ngữ kiểu self-help mà nhiều người ra rả khuyên nhủ nhau và không ngừng chia sẻ trên Facebook, đại loại là :"Không ai có thể giúp bạn ngoài chính bản thân bạn."
Nó khiến tôi nhận ra rằng, chúng ta không chỉ thiên về xu hướng tự làm mọi việc một mình nhiều hơn, trong mọi thập kỷ kể từ những năm 1930. Mà ta còn bắt đầu tin rằng tự làm mọi việc là trạng thái hiển nhiên của con người. Ta nghĩ: Tôi tự lo cho bản thân mình, người ta tự lo cho họ, như những cá thể độc lập. Không ai có thể giúp bạn ngoài bạn. Không ai có thể giúp tôi ngoài chính mình. Ý nghĩ này ngày nay đã bám rễ trong văn hóa, sâu sắc đến nỗi ta có thể dễ dãi phân phát nó như một lời khuyên cho những người đang bế tắc - cứ như thể nó sẽ giúp họ cảm thấy tốt hơn.
…Nhưng việc đó đi ngược với dòng chảy lịch sử nhân loại, và nó phủ nhận bản chất của loài người. Nó dẫn ta đến chỗ hiểu sai những bản năng cơ bản nhất của mình. Hơn nữa, tiếp cận cuộc sống kiểu này khiến ta thấy thật tồi tệ.
(Lost Connections: Uncovering the Real Causes of Depression - and the Unexpected Solutions - Johann Hari)
Bạn mình nói thêm gì đó về sự khác nhau giữa cô độc và cô đơn. Rồi về. Bạn về một lúc, thì mình nhớ đến sách ảnh Songbook của Alec Soth, để ngay trên lầu (những ý tưởng hay ho thường đến muộn, khi mà ngữ cảnh đã chìm vào dĩ vãng).
Từ năm 2012-2014, Alec Soth đi du lịch hết bang này đến bang khác khắp nước Mỹ, từ ngoại ô New York đến Thung lũng Silicon. Soth có mặt ở hàng trăm cuộc gặp gỡ, khiêu vũ, lễ hội để tìm kiếm sự tương tác giữa con người với nhau trong thời đại mạng xã hội ảo. Với Songbook, Soth loại bỏ bối cảnh thông tin ra khỏi những hình ảnh của mình, để làm nổi bật niềm khao khát kết nối tận gốc rễ. Rời rạc, hài hước và buồn bã, Songbook miêu tả trữ tình về cuộc giằng co giữa chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ và mong muốn được kết nối.
(magnumphotos.com)
Về mặt khái niệm, dự án Songbook dựa trên ảnh hưởng của 2 cuốn sách. Cuốn đầu tiên là “The Great American Songbook,” một hồi tưởng về lời bài hát của âm nhạc thế kỷ 20.
Bìa sau cuốn sách in bản nhạc “Dancing in the dark” mà Frank Sinatra là một trong những giọng ca thể hiện. Đoạn nhạc như làm nền cho những hình ảnh đen trắng của Alec Soth, chậm rãi và da diết.
Dancing in the dark 'til the tune ends
We're dancing in the dark and it soon ends
We're waltzin' in the wonder of why we're here
Time hurries by, we're here and we're gone
Cuốn sách thứ hai có ảnh hưởng đến dự án Songbook là công trình của học giả Hoa Kỳ Robert D. Putman: “Bowling Alone: Sự sụp đổ và hồi sinh của cộng đồng Mỹ” (Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community). Nghiên cứu này làm sáng tỏ sự mất kết nối và cô lập ở nước Mỹ đương đại. Trong phần lời tựa, Robert D. Putman kể câu chuyện này.
Trước ngày 29 tháng 10 năm 1997, John Lambert và Andy Boschma chỉ biết nhau thông qua giải đấu bowling địa phương tại Ypsi-Arbor Lanes ở Ypsilanti, Michigan. Lambert, một nhân viên bệnh viện Đại học Michigan đã nghỉ hưu, 64 tuổi, nằm trong danh sách chờ ghép thận được ba năm khi Boschma, một kế toán 33 tuổi, tình cờ biết được câu chuyện của Lambert và bất ngờ tiếp cận ông để đề nghị tặng một trong hai quả thận của mình.
Lambert: "Andy nhìn thấy điều gì đó ở tôi mà những người khác không thấy. Khi chúng tôi đang ở bệnh viện Andy nói với tôi, “John, tôi thực sự quý mến và tôn trọng ông. Nếu phải làm lại điều này một lần nữa tôi cũng không ngần ngại.” Tôi nghẹn ngào."
…Câu chuyện này tự nó đã nói lên mọi điều, nhưng bức ảnh kèm theo bài báo trên tạp chí Ann Arbor News tiết lộ rằng, ngoài sự khác biệt về nghề nghiệp và thế hệ, Boschma là người da trắng và Lambert là người Mỹ gốc Phi. Và rằng việc họ chơi bowling cùng nhau tạo nên tất cả khác biệt. Trong góc nhỏ của câu chuyện trên - và soi chiếu rộng hơn, cũng vậy - người Mỹ chúng ta cần kết nối lại với nhau. Đó là ý tưởng đơn giản của cuốn sách này.
Câu chuyện xảy ra khi hai người lạ tìm được kết nối về mặt con người với nhau ở một giải đấu bowling địa phương nước Mỹ (và thậm chí có thể nói, theo nghĩa đen, rằng họ đã trở thành một phần của nhau), trước khi những phương tiện hưởng thụ cá nhân len lỏi vào đời sống xã hội. Putnam dẫn ra một quan sát về xu hướng tiêu thụ “màn hình điện tử” của người Mỹ vào những thập niên cuối thế kỷ 20:
Tóm lại, sự phát triển của thông tin liên lạc và giải trí điện tử là một trong những xu hướng xã hội mạnh mẽ nhất của thế kỷ XX. Nó quan trọng ở chỗ, cuộc cách mạng này làm nhẹ tâm hồn và khai sáng trí óc ta, nhưng, nó cũng khiến cho việc hưởng thụ trở nên riêng tư và thụ động hơn.
Sự thờ phượng xu hướng này có thể được tìm thấy, một cách ngẫu nhiên, tại Holy Bowling Lanes ở New London, Connecticut. Được gắn phía trên mỗi băng bowling là một màn hình tivi khổng lồ hiển thị giá tiền truyền hình trả phí. Ngay cả trong đêm diễn ra giải đấu, với sự có mặt đông đủ của tất cả các thành viên mỗi đội, cũng không còn cảnh mọi người tán gẫu rôm rả với nhau, dù công nhiên hay riêng tư.
Thay vào đó, mỗi người lặng lẽ dán mắt vào màn hình, trong khi đợi đến lượt của mình. Ngay cả khi đang chơi bowling với nhau, họ đang xem một mình.
Nếu Lambert và Boschma lướt qua nhau trong bối cảnh như vậy, có lẽ Lambert vẫn sẽ còn phải tiếp tục chờ đợi quả thận của mình.
Quay lại chuyện ảnh, với cảm hứng là hai cuốn sách nói trên, Songbook đặt cạnh nhau những hình ảnh quá khứ và hiện tại của văn hóa Mỹ. Không quên nêm gia vị là óc hài hước mỉa mai quen thuộc, những bức ảnh đen trắng bất diện của Alec Soth báo động về căn bệnh đương đại khó chữa, mà dù ở Mỹ, hay ở đâu đi nữa, ta cũng không nằm ngoài vùng lây nhiễm.
Sau khi trời hết mưa và điện sáng, thì bạn kết nối (internet), đặt cuốc xe công nghệ đi về (trước đó không quên dùng ứng dụng ngân hàng để chuyển khoản tiền mua sách). Nghĩa là, sự tiện lợi của những màn hình điện tử cũng thật tuyệt vời, nhưng chỉ mong ta tìm được kết nối, kể cả khi trời mưa cúp điện.
DEMEDI