Mark Rothko - Hiện thực của hoạ sĩ

Mark Rothko
300.000₫

HIỆN THỰC CỦA HỌA SĨ - Mark Rothko

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh: Châu Hoàng, Hà Thu

Hiệu đính: Quang Việt

NXB Phụ Nữ 2021, sách bìa mềm, dày 222 trang

Gọi đặt mua: 0902711894

Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác hơn: Hội họa Trường Màu/ Color Field Painting) và là một trong những đại diện quan trọng nhất của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Gần đây, tranh của ông thuộc hàng đắt giá nhất trên thế giới.

“Tôi trở thành họa sĩ vì tôi muốn đề cao hội họa sánh ngang với âm nhạc và thi ca về sức lôi cuốn”, ông từng nói.

Những triết lý vô cùng sâu sắc và sinh động kết tinh từ quá trình quan sát cuộc sống cũng như quan sát toàn bộ lịch sử nghệ thuật được ông trình bày trong cuốn sách này, “Hiện thực của họa sĩ”, có thể cho thấy hầu như tất cả những gì đã nuôi dưỡng và thúc đẩy các nghệ sĩ để họ có thể có được lý tưởng và đạt được những mục đích lớn lao trong nghệ thuật.

Hội họa của ông, cực kỳ dễ nhận ra, luôn luôn ở bậc cao nhất và chỉ có một. Nhiều họa sĩ học theo ông nhưng chưa có ai bằng được ông.

.....

Về cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” (Artist’s Reality) của Mark Rothko (và những khó khăn trong việc dịch cuốn sách) có mấy điểm đáng lưu ý dưới đây:
Điểm thứ nhất: Bản thảo cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của Rothko chỉ thực sự được biết đến sau khi ông đã mất. Có lý do để cho rằng ông đã viết nó vào đầu những năm 1940 và hoàn thành trước năm 1947-1948… Và phải đến năm 2004, bản thảo này mới được xuất bản thành sách tại Nhà xuất bản Đại học Yale dưới tiêu đề “Hiện thực của họa sĩ | Những triết lý nghệ thuật của Mark Rothko” (The Artist’s Reality | Philosophies of Art by Mark Rothko), với sự cộng tác và trợ giúp của một số người, đặc biệt của hai người con của Mark Rothko là con gái lớn Kate Rothko Prizel và con trai Christopher Rothko. Riêng người con trai Christopher đã viết một lời giới thiệu chiếm đến 21 trang đầu của cuốn sách trong lần xuất bản đầu tiên này.

Điểm thứ hai (đặc biệt đáng để ngạc nhiên mà lẽ ra nên đặt ở vị trí của điểm thứ nhất): Trên nhiều phương diện, cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của Mark Rothko có thể đem so sánh với cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” của Kandinsky (xuất bản lần đầu tiên năm 1911), vốn được coi như “một văn bản then chốt trong lịch sử nghệ thuật hiện đại”. Và cũng cần nhấn mạnh ở đây, cả hai tác giả của hai cuốn sách đều là những người con ưu tú được sinh ra ở nước Nga, là người gốc Nga, xuất thân từ nền văn hóa Nga; và qua hai cuốn sách này, cả hai ông đều xứng đáng là những người đi tiên phong khai sáng về mặt lý luận cho hội họa nói chung, đặc biệt cho hội họa trừu tượng nói riêng.

Nếu gọi họ, theo cách gọi gần đây, là các “art writer” (người viết về nghệ thuật) – thì có thể nói, Kandinsky là người viết về nghệ thuật chủ yếu ở tư cách của người sáng tác, ngả về chủ quan; còn Mark Rothko là người viết về nghệ thuật chủ yếu ở tư cách của người quan sát, ngả về khách quan – mà có thể vì thế, hai cuốn sách của hai ông, vô hình trung, đã tương hỗ và bổ trợ cho nhau.

Điểm thứ ba: Một sự khác nhau khác tạo ra sức hút cho cả hai cuốn sách của Kandinsky và Mark Rothko đó là, Kandinsky viết cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” gần như đồng thời với việc bản thân ông đã bắt đầu vẽ những bức tranh thuần túy trừu tượng đầu tiên trên trái đất; trong khi bản thân Rothko chỉ tiến tới vẽ hoàn toàn trừu tượng sau khi ông đã viết xong cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” của ông. (Vậy tức là điểm thứ ba này có thể nằm trong mối quan hệ nhân quả với điểm thứ hai vừa nêu trên và là một trong những điều kiện để xác định thiên hướng chủ quan và thiên hướng khách quan giữa hai tác giả).

Điểm thứ tư: Cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật” được Kandinsky viết ở châu Âu trong bối cảnh tư tưởng “lấy châu Âu làm trung tâm” (Euro-centrism) vẫn còn đang bao trùm; trong khi cuốn “Hiện thực của họa sĩ” được Rothko viết ở New York trong bối cảnh đã dần hình thành tư tưởng mới “lấy New York làm trung tâm” (New York-centrism) mà chính ông đang ở giữa trung tâm ấy. Và khoảng cách thời gian giữa hai “sự kiện viết sách” này là khoảng trên 30 năm.
Lịch sử đã có nhiều thay đổi, luôn luôn là như thế, và luôn luôn ở vô vàn khía cạnh, và cách tiếp cận của triết học đối với nghệ thuật đương nhiên cũng vì thế mà thay đổi theo.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: