Không có thứ gọi là Nghệ thuật
"Không có thứ gọi là Nghệ thuật. Chỉ tồn tại các nghệ sĩ."
Đó là 13 chữ khúc chiết mà đầy sức mạnh mở đầu cuốn sách "Câu chuyện nghệ thuật" của Giáo sư Ernst Gombrich.
Cuốn sách bao gồm các khảo sát về lịch sử nghệ thuật, đặt trọng tâm vào nghệ thuật châu Âu. Bắt đầu từ những bức tranh trên nền đá hang động và các tác phẩm điêu khắc ban sơ, kéo dài đến kiến trúc hiện đại và nghệ thuật đại chúng. Hai mươi tám chương, súc tích, nhưng mỗi chương đều làm dậy những gợn sóng lăn tăn, gợi ý về chiều sâu của những dòng chảy trào lưu nghệ thuật trôi qua các thời đại, những tiến bộ và thay đổi quan điểm, cùng vai trò của nghệ sĩ đương thời.
Gombrich, với khối lượng thông tin đồ sộ, vẫn cố gắng viết cô đọng, đặt bút giản dị mà không hạ câu chuyện của mình thành những lựa chọn tầm thường. Như vậy, ông dẫn dắt người đọc du hành qua tất cả các viện bảo tàng lớn trên thế giới, khơi gợi hào hứng của họ bằng sự đồng hành của ông - một chuyên gia thông thái và thanh lịch. Kết thúc chuyến tham quan, Gombrich vui vẻ tặng thêm khách ra về sự nhiệt huyết khám phá ngôi đền nghệ thuật bất tận.
Dưới đây là một số tác phẩm nằm trong sách, được lựa chọn ngẫu nhiên và sắp xếp theo niên đại, cùng vài câu chuyện nhỏ về từng tác giả và tác phẩm qua lời kể của Gombrich.
Mặt nạ nghi lễ nhảy múa của người Inuit tại Alaska (1880) - Gỗ sơn
"Nó thể hiện một con quỷ núi chuyên ăn thịt người với khuôn mặt dính máu. Nhưng kể cả khi hiểu chưa chính xác, ta vẫn trân trọng sự tỉ mỉ trong việc biến những khuôn hình tự nhiên thành một kiểu mẫu thống nhất. Có vô số tác phẩm xuất sắc như thế này ra đời từ thuở ban đầu kỳ lạ của nghệ thuật, và đến bây giờ, khi không còn ai có thể giải thích chúng cho ta nữa, ta vẫn cảm thấy ngưỡng mộ chúng."
Jan Van Eyck - Lễ đính hôn của Arnolfini, 1434, Sơn dầu trên gỗ
"Có lẽ Van Eyck gặt hái được nhiều thành công vang dội nhất là với dòng tranh chân dung. Một trong số những tác phẩm chân dung nổi tiếng nhất của ông là bức vẽ Giovanni Arnolfini, một thương gia người Ý đã đến Hà Lan giao thương, đứng bên vợ mình là Jeanne de Chenany. Bằng cách thể hiện riêng, tác phẩm này cũng mới mẻ và mang tính cách mạng không kém gì tuyệt tác của Donatello hay Masaccio ở Ý. Như một phép màu, một góc đơn giản của thế giới thực bỗng được đưa lên tranh.
…
Có thể tác giả đã được đề nghị chứng kiến và ghi lại khoảnh khắc quan trọng này như một chứng nhân, giống một công chứng viên tuyên bố sự hiện diện của mình tại buổi lễ có tính long trọng tương tự. Điều đó giải thích cho việc ông đặt tên mình tại vị trí nổi bật ngay giữa bức tranh bằng tiếng Latin: “Jan Eyck đã ở đây" (Jahnanes de eyck fuit hic). Tấm gương trên tường ở cuối phòng phản chiếu toàn bộ khung cảnh nhìn từ phía sau, và dường như ta có thể thấy hình ảnh của tác giả bức tranh kiêm người làm chứng."
Rogier van der Weyden - Hạ xác Chúa từ thập giá, 1435, Tranh điện thờ, Sơn dầu trên gỗ
"Chúng ta thấy rằng Rogier, giống như Van Eyck, có thể tái tạo chân thực mọi chi tiết, từng sợi tóc cho tới những đường may. Tuy nhiên, bức tranh của ông không miêu tả một cảnh thực.
…
Vẻ chịu đựng điềm tĩnh của những người đàn ông lớn tuổi càng làm nổi bật lên những cử chỉ đầy biểu cảm của dàn nhân vật chính. Bởi thật sự họ như thể bước ra từ một vở kịch huyền bí, một hoạt cảnh sống động được dựng lên bởi nhà sản xuất dạt dào cảm hứng - kẻ chắc chắn đã nghiên cứu rất kỹ các tác phẩm lớn thời Trung Cổ và muốn mô phỏng chúng theo cách của riêng mình. Qua bức tranh này, Rogier đã có đóng góp lớn vào nền nghệ thuật phương Bắc nhờ diễn đạt quan niệm chính của hội họa Gothic theo hướng chân thực và mới mẻ."
Albrecht Durer - Adam va Eva, 1504, In khắc kim loại
"Khi nhìn vào tác phẩm tranh in khắc đồng này, không dễ để chúng ta ngay lập tức thấy được thành tựu của Durer.
…
Hai cơ thể cân đối mà ông cho ra đời nhờ vào sự đo đạc tỉ mỉ với thước kẻ và com-pa trông không có sức thuyết phục và đẹp như những hình mẫu cổ điển hay của Ý. Cả trên cơ thể và trong cách tạo dáng của các nhân vật cũng như ở bố cục cân xứng của tác phẩm đều có gì đó hơi giả tạo. Thế nhưng, những cảm giác kỳ lạ ban đầu này sẽ nhanh chóng biến mất khi ta nhận ra Durer không chối bỏ bản thân để hoàn toàn phục tùng cái mới như một số nghệ sĩ khác thường làm. Khi ta để Durer dẫn vào Vườn Địa Đàng, nơi mà chuột có thể bình yên nằm bên mèo; hay nai, bò, thỏ và vẹt chẳng sợ hãi trước tiếng bước chân con người; khi ta nhìn sâu vào lùm cây nơi cây Tri thức mọc lên, chứng kiến cảnh con rắn đưa cho Eva trái cấm còn Adam vươn tay để nhận nó; và khi ta nhận ra tác giả đã nỗ lực ra sao để khắc họa những đường nét rõ ràng của cơ thể trắng muốt và tạo dáng đầy tinh tế nổi bật lên nền tối của khu rừng với những thân cây xù xì, ta mới thấy thán phục Durer ở nỗ lực nghiêm túc đầu tiên trong việc gieo trồng những lý tưởng phương Nam lên mảnh đất [nghệ thuật] phương Bắc."
Raphael - Nữ thần Galatea, 1512-1514, Bích họa
"Dù có ngắm nhìn bức tranh xinh đẹp và vui mắt này bao lâu đi chăng nữa, người xem sẽ vẫn không ngừng khám phá ra ở nó những vẻ đẹp mới mẻ ẩn trong bố cục phong phú và phức tạp. Các nhân vật và chuyển động trong tranh dường như tương xứng với nhau đến hoàn hảo.
…
Rapael tạo cảm giác chuyển động liên tục mà không khiến bức tranh trông gò bó hay mất cân đối. Kể từ đó, chính khả năng sắp xếp nhân vật tuyệt đỉnh - kỹ năng tạo bố cục khéo léo tột bậc của Raphael đã khiến các nghệ sĩ khác phải ngưỡng mộ ông. Nếu Michaelangelo chạm tới đỉnh cao trong kỹ thuật vẽ cơ thể người thì Raphael là họa sĩ làm được điều từng gây khó dễ cho thế hệ trước: tạo ra bố cục hoàn hảo và hài hoà từ những nhân vật tự do chuyển động.
…
Một trong những học giả nổi tiếng nhất thời đó, Hồng y Bembo đã viết dòng chữ sau lên bia mộ ông nơi đền thờ Pantheon ở Rome:
Đây là ngôi mộ của Raphael , kẻ khi sống đã khiến Mẹ Thiên nhiên
Sợ hãi sẽ bị ông đánh bại, và khi ông qua đời, cũng vì thế và héo tàn theo."
William Blake - Thời Thái cổ, 1794, In khắc kim loại với màu nước
"Một đoạn trong Kinh Thánh (Châm ngôn viii, 22-27) ghi lại lời của nhà Thông thái như sau:
Chúa đã sở hữu ta ngay từ đầu, trước cả khi Người bắt tay vào làm việc… trước khi núi đồi có mặt, ta đã được sinh ra… khi Người chuẩn bị các tầng trời thì ta đã ở đây rồi: dù là khi Người đặt chiếc compa lên trên mặt đất: hay khi Người đặt những đám mây lên cao; cả khi Người đổ sông suối xuống nơi vực thẳm.
Blake đã lựa chọn tái hiện chính hình ảnh vĩ đại ấy của Chúa khi Ngài đặt compa lên mặt đất. Hình ảnh Đấng Tạo hoá này phảng phất bóng dáng Chúa của Michaelangelo, và Michaelangelo lại là người Blake ngưỡng mộ. Tuy nhiên, dưới bàn tay Blake, hình ảnh có phần huyền ảo và phi thực. Thực chất, ông đã sáng tạo nên một thần thoại cho riêng mình, và nhân vật trong ảo cảnh thực ra không hoàn toàn đại diện cho Chúa, mà đến từ trí tưởng tượng của Blake được ông gọi tên là Urizen. Mặc dầu Blake coi Urizen như nhà sáng tạo ra thế giới này, bởi ông nhìn thế giới ấy như một nơi tồi tệ nên kẻ tạo ra nó cũng là một linh hồn xấu xa. Do đó, ảo cảnh này trông như cơn ác mộng kỳ lạ, với chiếc compa giống như tia chớp loé ra rạch ngang đêm tối bão bùng."
Constantin Brancusi - Nụ hôn, 1907, Đá
"Mối quan tâm tương tự đến điều mà tôi gọi là “chính thống" đã đưa điêu khắc gia người Romania Constantin Brancusi (1876 - 1957) đến việc gạt bỏ mọi kỹ năng học được ở trường nghệ thuật cũng như khi làm trợ lý cho Rodin, nhằm phấn đấu đạt tới các cực điểm của sự đơn giản hoá. Trong nhiều năm, ông nghiên cứu ý tưởng về một nhóm [đối tượng] thể hiện một nụ hôn dưới hình thức một khối lập phương. Mặc dù, giải pháp của ông triệt để đến mức lại gợi ta nhớ về lối biếm hoạ, nhưng khó khăn mà ông muốn giải quyết lại không hề xa lạ. Hẳn độc giả vẫn còn nhớ ý tưởng điêu khắc của Michaelangelo chính là tạo ra khuôn hình mà như đang ngủ yên trong khối cẩm thạch, rồi đem đến sự sống và chuyển động cho các nhân vật mà vẫn giữ lại đường nét đơn giản của khối đá. Brancusi đã chọn cách tiếp cận vấn đề theo hướng ngược lại. Ông muốn thử xem điêu khắc gia có thể giữ lại bao nhiêu phần vẻ bề ngoài nguyên bản của khối đá trong khi vẫn biến đổi nó thành hình thù mang bóng dáng một nhóm người."
René Magritte - Nỗ lực bất khả thi, 1928, Sơn dầu trên vải
"Sau cùng, ta đã chứng kiến rằng, chính nhu cầu bắt buộc rằng họa sĩ chỉ nên vẽ cái họ thấy đã đưa họ đến những thử nghiệm liên tục mới mẻ hơn bao giờ hết. Họa sĩ trong tranh của Magritte (và đó cũng là hình ảnh tự họa của ông) cố gắng thực hiện nhiệm vụ cơ bản của nghệ thuật hàm lâm, đó là vẽ hình khoả thân, nhưng ông nhận ra điều mình làm không phải sao chép thực tại mà là tạo ra một thực tại mới, giống như những gì ta tạo ra trong giấc mơ của mình vậy. Vì sao ta làm được như vậy thì ta không hề biết."
DEMEDI