-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đường chưa mòn
12/07/2022
SÁCH CHO MÙA HÈ
Quyển ba - Kỳ 3: Dọc đường - Nguyên Ngọc
Rất hân hạnh được làm chân tà lọt theo travel blogger Nguyên Ngọc đi khắp dọc miền đất nước. Càng đi không gian văn hoá càng rộng mở, và càng sâu hút chiều kích lịch sử dân tộc mình.
Chuyến phượt đời Nguyên Ngọc thật ngầu.
Ông xuôi tàu đò mò đến cực nam Rạch Gốc đâu những năm 1980 để tìm xác một con tàu không số nghe đồn, đụng độ bà vợ chủ tịch xã, bả hỏi hàm mấy sao, 3 sao thì 3 chén, nhà văn người lính gục tại chỗ, thằng đệ đi theo xốc nách kéo về.
Ông cà lộc lưng ngựa đâm ngược lên thiên hà đá Mèo Vạc, hành hương thăm lại một đôi mắt xanh sâu buồn, mùa hoa thuốc phiện cuối cùng thì đã qua, vẫn qua.
Ông lang thang Hà Nội với một tình yêu ngớ ngẩn, mừng rỡ như trẻ con khi tìm được mảnh vườn sau tấm rèm, mảnh vườn ươm giữ cả hồn người Hà Nội ở đó, vẫn đó, mặc cái hỗn hào hiện đại ào ào tranh nhau nửa vòng bánh xe.
Và Hội An, đất Quảng khúc ruột của ông, đò dọc Trường Giang của ông, với những phận người, thường là như chó gặm. Vì thời cuộc.
Đừng quên.
Đi với Nguyên Ngọc, lâu lâu sẽ được đánh bạn với một gã thanh niên bất hảo nào đó ngồi ven đường, nhướng mắt lên thở một câu “Nhậu không?”.
Thì nhậu.
Nhưng hãy cẩn thận, đây không phải là một cuộc nhậu quên sầu.
Bạn sẽ nhậu với cả một thân phận, bạn sẽ phải nghĩ hoài và nghĩ nhiều thêm nữa. Về con người. Dĩ nhiên. Và bạn không quên sầu, sầu không quên bạn. Có khi còn sầu hơn cả trước khi cầm chén nhấp môi.
Thôi. Đừng nói nữa. Với “Dọc đường”, bình nhiều thì thành dở. Rượu cũ thì không nên bình mới. Để tự nhà văn có lời mời qua vài trích đoạn “Trở lại Mèo Vạc” (Tháng 8/1991).
“Bạn đã có dịp nghe hát dân ca H’mông bao giờ chưa? Đó là sự kết hợp bất ngờ đột ngột kỳ diệu của những âm vực gần như không thể tưởng tượng nổi: cao chót vót, và trầm sâu đến đáy. Không có cái giữa chừng, không có sự trung bình. Chỉ có cực điểm. Núi non ở đây là thế. Con người là thế.
…
Những sườn núi Nùng thoáng rộng đến vô cùng, nở nang và hoang vắng như những khuôn ngực đàn bà hoang sơ nào đấy, tưởng có thể hít thở đến ngợp cả hai khuôn phổi hương da thịt nồng nàn của đất thuở khai thiên còn nguyên vẹn. Đường đi trên các sống núi, ngước lên thăm thẳm màu xanh biên thùy, nhìn xuống thung sâu hun hút, lác đác những bản làng nhỏ xíu phơi mình trong nắng chói chang.
...
Ba giờ chiều, rất đột ngột, bỗng thấy mình đứng trên một đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất. Và trước mặt, một kỳ quan chưa từng thấy: không còn ngọn núi đất nào nữa. Chỉ còn toàn đá. Một cao nguyên đá. Mênh mông, trùng điệp, lô nhô, lởm chởm, cuồn cuộn hàng triệu đợt sóng đá dồn dập như những bức trường thành đá vô tận, nhọn hoắt, sắc lẹm, nham nhở, lở lói, khô cằn, khắc nghiệt… Đá, đá, đá bạt ngàn, hút chân trời. Đá vôi đen xỉn. Và tuyệt không còn gì khác.
…
Và bây giờ hãy vịn chắc tảng đá bên bờ vực này mà cố nhìn xuống con sông Nho Quế dưới kia. Hàng nghìn thước sâu có thừa. Ngọn núi lớn có lẽ từ hàng triệu năm trước, một hôm nào đó, đột ngột bị một nhát rìu khổng lồ chém đứt làm đôi, nhát chém dữ dội và sắc lẹm quá, cả trái núi đá hàng vạn kilômét khối bị bổ dọc, nứt toác ra, hai bờ thẳng đứng, bên này là Mã Pi Lèng, bên kia là Sam Pun, ở giữa dưới nghìn mét sâu là con sông Nho Quế leo lẻo xanh đến gợn người.
...
Thật khốn khổ cho cái chủ nghĩa hiện thực tôi từng được dạy từ ngày cầm bút. Ở đây tất cả đều siêu thực, núi non, mây gió, đất trời, xóm mạc, sông suối, con người, và cả những con ngựa này nữa, lên cao chúng bỗng trở nên trầm mặc và nhẹ tênh, có thể chúng cũng biết nói đấy nhưng không mở miệng nên lời được chỉ vì bị đắm đuối bởi cái đẹp quá thể tràn ngập bốn bề.”
Một cuốn sách dễ đọc nhưng khó quên. Và cảnh báo, đọc hết cuốn sách này, khả năng cao bạn phải lần mò giở ra đầu sách khác trong vũ trụ sách mà nhà văn ranh mãnh để dấu lại. Và không khéo, thì bạn sẽ trở thành “con mọt sách trọn đời” - như Nguyên Ngọc tự nhận mình là.
DEMEDI
______
(Quyển bốn - Kỳ tiếp theo: Bộ tột cùng hạnh phúc - Arundhati Roy)