-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
"Truyện "Cái chuồng khỉ" của Nguyễn Đức Sơn do An Tiêm ấn hành lần thứ nhứt tại Sài Gòn tháng 7 năm 1969.
Đây là truyện của một bạn trẻ thuộc thế hệ mới. Lời văn trẻ, hơi văn mạnh, cốt bố trí chặt chẽ một cách tài tình, tư tưởng nhiều khi táo bạo đến nỗi làm cho người đọc bất bình [...] Một dấu hiệu của thời đại! Thảm thay! Mà cũng ghê thay!"
Hoàng Minh Tuynh
(viết riêng cho truyện ngắn "Cái chuồng khỉ" đăng trên tạp chí Mai số 31 và 32 năm 1963).
"... Sau cùng là truyện Cái chuồng khỉ có thể coi như tiêu biểu cho lối viết truyện của Nguyễn Đức Sơn (...) Tác giả muốn phá tan đời sống bằng cách bôi bẩn lên đời sống? Không hẳn hoàn toàn như thế vì nhân vật Dự của ông chỉ "thèm một cái đích không có... đích" (trang 111). Đạp đổ để đạp đổ, ấy là thái độ đối với cuộc đời, và rồi, trong niềm tuyệt vọng đối với cuộc đời, hãy tìm về cái chết bằng một hành vi tự ý: tự tử. Tác giả ca ngợi sự tự tử bằng những lời say đắm nhất: "Tự tử là hành động của đạo đức nguyên chất nhất. Đó là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Nó làm cho con người rung động toàn thể trí óc, tâm hồn và rung động thê lương hãi hùng nhất" (trang 122). đọc đoạn văn này, hẳn ai cũng thấy rõ hướng vô chánh phủ và hư vô chủ nghĩa lôi cuốn tác giả. Hành trình của ý thức tự do đưa đến hành vi nhưng không (acte gratuit), là sự tàn phá, và tàn phá triệt để từ thế giới đến chính mình. Sự rung động của Dự (hay Nguyễn Đức Sơn) là sự rung động cuồng trí trong cơn say ngất ngư (délire), như cái cười nơi Georges Bataille, sự sát nhân của Caligula, trong tác phẩm của Camus, sự rung động thê lương hãi hùng đó nhiều khi trở thành sự tàn phá bình thản, như Lafcadio của Gide và Meursault của Camus giết người không lý do. Hay lý do đó chính là sự phi lý của cuộc đời mà Nguyễn Đức Sơn luôn luôn thấy như một vũng nước tù túng, sình thối? Từ truyện đầu đến truyện cuối, không khí toát ra ở tập truyện của Nguyễn Đức Sơn là không khí nhân sinh ngột ngạt, nhàm chán đến độ ghê tởm, cuộc đời đối diện với nhân vật là tất cả những gì đáng khinh miệt, đáng dè bỉu, nhất là đáng thù ghét. Nhân vật Dự của tác giả thù ghét tất cả, nhất là thù ghét đám đông vô danh. Sự thù ghét đó nhiều khi chỉ đến từ chính bản tính ganh ghét của Dự với hạnh phúc của thiên hạ. Sự lãnh đạm quá đáng đưa đến thù ghét trong khi sự thản nhiên quá độ lại biểu lộ một tâm trạng bệnh hoạn, loạn cuồng. Lời văn mạnh mẽ, mạch văn thất thường, thiếu liên tục, chứng tỏ điều đó. Kết cấu phức tạp, nhưng không tạo được những chữ mới mẻ, hình ảnh tràn đầy, đông đảo, nhưng không lạ lùng, tất cả những bút pháp của Nguyễn Đức Sơn có một sức quyến rũ là nhờ ở những biến điệu của giọng văn, cách chấm câu luôn luôn thay đổi, tạo thành hơi văn thôi thúc, làm nên những dòng văn chát chúa khó quên. Từ những truyện tầm thường tẻ nhạt mở đầu đến truyện cuối sôi nổi ồ ạt và tàn bạo, Nguyễn Đức Sơn cho thấy một nhân dáng ở bên lề cuộc đời bình thường, luôn luôn nhìn vào thực tại cuộc đời bằng một cái nhìn trân trối đầy giễu cợt mỉa mai và chất chứa một dự phòng tàn phá toàn diện, dự phòng phát xuất từ một tâm trạng vừa phẫn nộ vừa ngạo nghễ. Tác giả chưa vượt khỏi chân trời hư vô chủ nghĩa mà hậu quả là thái độ vô chính phủ của ông trước xã hội.
Nguyễn Nhật Duật
(Trích tuần báo Khởi Hành số 35 ra ngày 25-12-69)