-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cái khốn nạn muôn đời của số phận một khách du lịch, là hắn chỉ đóng vai kẻ ngang qua. Một diễn viên quần chúng. Không xếp được vào hạng quần chúng có một hai câu thoại, mà là kiểu quần chúng được phục sức trang điểm qua loa cho phù hợp bối cảnh rồi nhét vào đâu đó không nằm trong vùng lấy nét của ống kính. Mọi kẻ lữ hành ngoại cuộc đi qua Ấn Độ đều lập tức, và mặc định bị rơi vào vai ấy, cái bẫy ấy. Không có quyền vùng vằng. Không có ngoại lệ.
Jantar Mantar ở New Delhi là một quần thể kiến trúc được xây dựng với mục đích nghiên cứu thiên văn, hay nói cách khác là một thú chơi hoành tráng của tầng lớp vua chúa Ấn Độ cổ xưa. Chiếc đồng hồ mặt trời được phóng đại, trở thành một nhà tù song sắt úp mở đồ sộ, không cài chốt, nhưng không thể thoát ra. Những bậc thang dốc sững dẫn đến tận cùng là không đâu cả, hoặc là rơi xuống. Gần đâu đó là khối kiến trúc với hình dạng có thể khiến người ta liên tưởng đến một quả tim, hay nhìn cách khác là một âm hộ khổng lồ, với âm vật là những nấc thang quá dài dẫn đến vẫn không đâu cả.
Arundhati Roy viết về một phiên chợ chính trị xảy ra đan xen lẫn lộn trong khung cảnh vừa kể. Người người đến đây để kêu những tiếng kêu riêng lẻ, thậm chí đối nghịch, trong một nỗ lực cộng tồn giữa những thể chế, những tôn giáo, những đẳng cấp, những sắc tộc, những thánh thần, những kệch cỡm biếm họa mà mâu thuẫn đắp lên nền mâu thuẫn từ hàng trăm năm này qua hàng trăm năm khác.
Bà kể về tất cả mọi thứ bất nhẫn ấy bình thản như đang giới thiệu lần lượt những tiết mục trong một chương trình hề xiếc tạp kỹ. Bình thản tạo nên tàn bạo.
“Mọi người biết nơi này là gì không, Jantar Mantar này? Ngày trước nó là một đài thiên văn. Nó được một Maharaja nào đó cho xây, tôi quên tên rồi, vào năm 1724. Người nước ngoài vẫn đến đây tham quan cùng các hướng dẫn viên. Họ đi ngang nhưng không nhìn thấy chúng tôi, ngồi đây bên vệ đường, đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn trong cái Sở thú Dân chủ này. Người nước ngoài chỉ thấy những gì họ muốn thấy.
…
Tôi ngồi ở Jantar Mantar này mười một năm rồi. Thỉnh thoảng tôi rời nơi này để dự hội thảo hay hội họp về các đề tài mình quan tâm ở Câu lạc bộ Hiến pháp hay Quỹ hòa bình Gandhi. Bằng không thì tôi túc trực ở đây. Tất cả những người này từ mọi nơi trên khắp Ấn Độ đến đây cùng những ước mơ và yêu sách của họ. Không có ai để lắng nghe. Không ai lắng nghe. Cảnh sát đánh họ, chính quyền mặc kệ họ. Những người nghèo đó, họ không ở lại đây được, vì chủ yếu họ từ làng mạc và khu ổ chuột tới và họ còn phải kiếm sống. Họ phải quay về với đất đai của mình, hoặc về với địa chủ, với bọn cho vay, với trâu bò còn đắt hơn cả người, hay về với túp nhà lụp xụp của họ. Nhưng tôi ở lại đây thay mặt những người đó.”
Tác giả chọc ngoáy vào cái hổ lốn phi lý của xã hội Ấn Độ như cách cây tăm nhọn xỉa xói lùng sục một miếng thịt mắc vào kẽ răng. Bà trao vai anh hùng cho những nhân vật bị trật khỏi đường ray thẳng thớm của đời sống, vai ngôi sao trong bộ phim của chính họ (vì lúc nào cũng vậy, chỉ có ta mới cứu được mình):
Một cộng đồng hijra (người không phải là nam không phải là nữ, hay một người nữ mắc kẹt trong hình hài người nam) tự tạo những thiên đường nhỏ, những con thuyền Noah giữa lòng thành cổ Delhi, để chống chịu cơn đại hồng thủy địa ngục trần gian.
Những trí thức trẻ (rồi sẽ hoá già) yêu dân tộc mình, yêu người mình, yêu đất mình, bằng cách này hay cách khác. Họ đối mặt với những lựa chọn chính trị dẫn cuộc đời họ đến ngã ba và rẽ nhánh ra mãi, xa nhau. Nhưng, chắc chắn rồi, sẽ gặp lại nhau, ở cái điểm mà rốt cuộc mọi người vỡ lẽ, rằng hoá ra họ cũng chỉ là những hình ảnh phản chiếu khác của nhau, của lý tưởng, dù cho nó có là gì đi nữa.
Và người bị áp bức, người bị giết hại vô cớ và có cớ (hẳn là nhân danh một điều gì), người sống sót (hay đã chết nhưng tiếc rằng vẫn còn thở), con ngựa cái, những con chó hoang có chủ, được đặt tên, những con dê, con quạ, những nấm mồ người chết đầy rẫy số phận, đầy rẫy thân ái cũng được mời tham dự cuộc diễu hành này.
“Mày có biết vì sao Thượng Đế tạo ra hijra không?” Một buổi chiều, chị ta hỏi Aftab trong lúc lật một cuốn Vogue quăn mép năm 1967, nấn ná ở chỗ mấy cô tóc vàng chân trần hút hồn chị.
“Không biết, vì sao?"
“Là để thí nghiệm. Ngài quyết định tạo ra cái gì đó, một sinh vật không thể có hạnh phúc. Nên ngài tạo ra bọn tao.
…
Ở đây chẳng ai hạnh phúc cả. Không thể có.
…
Giá cả tăng, tiền học cho con cái, chồng vũ phu, vợ ngoại tình, bạo động Ấn giáo với Hồi giáo, cuộc chiến Ấn - Pakistan, những thứ bên ngoài mà cuối cùng rồi cũng sẽ yên. Nhưng với bọn tao thì giá cả tăng hay học phí hay những ông chồng vũ phu hay những bà vợ ngoại tình tất thảy đều ở bên trong bọn tao. Ấn - Pakistan ở bên trong bọn tao. Nó sẽ không bao giờ yên. Không thể nào yên.”
Arundhati Roy không giấu giếm cái mỉa mai cay đắng. Nói theo một kiểu, cái mỉa mai ấy là cách bà vuốt ve âu yếm đất nước bà yêu, hay nói đúng hơn là những con người tạo thành dân tộc bà yêu, là dân mình, người mình. Yêu quằn quại lăn lóc, yêu cay đắng hoang tàn khô cạn. Yêu nguyền rủa.
Bà viết từ tốn, sự từ tốn gấp rút. Gấp rút như người vừa tỉnh ngủ viết xuống giấc mơ của mình, để khỏi quên. Vì quên là tội ác.
Bà viết lạnh lùng, tỉnh rụi. Nhưng chi tiết đến rùng mình. Chi tiết như người mù vẽ thế giới mình không thấy, như người điếc chơi bản giao hưởng mình không thể nghe và người câm ngâm nga những tiếng hét không thành âm.
Bà khiến ta đặt câu hỏi cho cái phần dã thú và những cuộc chiến âm ỉ ở bên trong con người mình, mà đến một lúc nào đó ta chấp nhận sống chung.
Nhưng “Bộ tột cùng hạnh phúc” không thể chỉ có tàn phá. Vì nếu thật vậy thì hẳn Arundhati Roy sẽ để lại chấn thương tâm lý cho người đọc. Và vì lịch sử bao giờ cũng là một vòng lặp, nó là di chứng của quá khứ và vĩnh viễn là dấu hiệu tiên tri của tương lai.
Cái hạnh phúc mà nhà văn nhắc đến ở tựa sách chiếm một phần rất nhỏ trong thời lượng đồ sộ đau thương của câu chuyện. Nhưng nó len lỏi, nó kiên trì chảy mạch, và nó sẽ thành sông, tràn đầy, trù phú. Vì được bồi đắp phù sa từ chính những người đau chung.
“Và Sarmad - Hazat Tột cùng hạnh phúc, vị thánh của những Kẻ chưa khuây khỏa và Niềm khuây khỏa của Kẻ do dự, Kẻ báng bổ trong số Tín đồ và Tín đồ giữa những Kẻ báng bổ - đã chúc phúc.”
Nên hạt mầm vẫn mọc trên những nấm mồ.