ABBA...ZAPPA

24/02/2023

ngồi đọc
      ở đây .

 

Nhiều lần, những người bạn của tôi trong độ tuổi phải bắt đầu tìm hiểu về các loại thuốc nhuộm tóc đen lâu phai, ngồi lại nói chuyện với nhau. Và tôi được mời bước vào địa phận ký ức của họ.
Ít lần trong những lúc nhiều lần, khi hơi men đã thấm, những câu chuyện tuôn ra đi kèm với bạn đồng hành là đôi mắt rơm rớm. Tôi đã nghĩ, họ xúc động không phải vì đó là một kỷ niệm buồn, hay vui, vì qua làn khói mờ của thời gian thì hai điều đó cũng đã đổi chỗ cho nhau lâu rồi. Có lẽ họ xúc động, đơn giản vì họ còn có khả năng nhớ. Và bằng cách nhớ, câu chuyện đó hiện diện, ký ức đó hiện diện. Đã đang sẽ tiếp tục hiện diện.
Đó là cách tôi nghĩ về cảm giác hoài niệm.

Kể vậy, để bạn mang chính xác trải nghiệm đó bước vào chuyến hoài niệm về không khí âm nhạc ở châu Âu thập niên 70 qua sách ảnh ABBA…ZAPPA.

Ảnh bìa: Neil Young. Phản chiếu trong kính mắt: Gijsbert Hanekroot, Constant Meijers, 1974, Oakland Stadium


Như một cuốn kỷ yếu, tập hợp ảnh điểm mặt hầu hết ca, nhạc sĩ, nhóm nhạc pop, rock châu Âu trong giai đoạn hậu Woodstock - cuối những năm 1960 đến trước năm 1978.
Phần nhiều trong số họ giờ đã tốt nghiệp niên khóa âm nhạc của mình, một số đã tốt nghiệp chính cuộc đời của mình.


Người ở đó, lúc đó ghi lại những hình ảnh này là gã thanh niên Hà Lan trẻ, tên Gijsbert Hanekroot.

Những ngày đó, nền nhạc rock chưa phải là cỗ máy trơn tru như ngày nay. Mọi thứ vẫn đang được phát minh: hệ thống ánh sáng, âm thanh, quảng cáo, tổ chức, kiểm soát đám đông. 
Từng ngày từng ngày, tất cả mọi người đều đang học, ứng biến, và thích nghi. Đó là khoảng thời gian thử nghiệm. 
Gần như hàng tuần, các nhóm nhạc mới bước lên sân khấu, và tin tức báo chí bùng nổ. Chúng tôi cố gắng thu giữ cảnh tượng này, sâu sắc nhất mà chúng tôi có thể. 
Chúng tôi được phóng từ thế giới (âm nhạc) này sang thế giới (âm nhạc) khác. Có thể nói rằng, từ Abba hôm nay đến Zappa ngày tiếp theo. Chúng tôi xem The Eagles diễn ở London, Paul McCartney ở miền nam nước Pháp, Bob Dylan ở New York và Stones ở Hamburg. Chúng tôi bay London hai tháng một lần. Đó là điều tự nhiên nhất trên thế giới vào thời điểm đó, và bây giờ nhìn lại, một khoảng thời gian tuyệt vời.

(Gijsbert Hanekroot)

 

Bìa phải: Nhiếp ảnh gia Gijsbert Hanekroot


Tập hợp ảnh này có thể được chia thành 3 mảng, Gijsbert chụp những ngôi sao âm nhạc ở studio, ở những buổi diễn, và ở trong đời sống của họ. Qua con mắt của thời gian nhìn lại, Gijsbert đặc biệt yêu thích những bức ảnh chân dung của mình.

Nhìn lại bộ ảnh bằng con mắt ngày hôm nay, tôi nghĩ những bức chụp chân dung là đặc biệt nhất. Vào thời điểm đó, các ngôi sao nhạc rock chưa phải là những biểu tượng vĩ đại như bây giờ. Giờ, họ mài giũa hình ảnh của mình đến từng chi tiết cuối cùng. Họ được đào tạo bài bản về mặt đó, họ gần như tự động trưng ra kiểu thái độ rập khuôn hoặc một ánh nhìn “chữ ký” khi nghĩ rằng có ống kính đang ở gần đâu đó. Điều này hầu như không có vào đầu những năm bảy mươi. Tất nhiên các ngôi sao đều đầy cá tính, nhưng họ vẫn chưa mang vị thế biểu tượng. Rất nhiều bức chân dung vui vẻ, tươi cười của Neil Young, người tự nhận mình là kẻ cô độc. Mick Jagger, người đã lấy máy ảnh của tôi để chụp ngược lại tôi. Über-ghoul Alice Cooper, đùa cợt với những cô hầu khách sạn. Roxy Music nhiệt tình hơi quá đà trong những buổi chụp chân dung, kiểu hình thường được dàn dựng rất cẩn thận. Brian Ferry, gật gù trên chiếc ghế bành. Và nhiều nữa. Bạn trở nên gần gũi với nghệ sĩ đến mức có khả năng nhận ra những ý tứ tinh tế trong cách nói của họ, hay bắt gặp họ buồn bã hoặc xúc động. Bonnie Raitt, John Entwhistle, John Fogerty và nhiều người khác, họ tiết lộ “con người” đằng sau một nghệ sĩ. Và để bắt được con người đó, chính xác là mục tiêu của tôi.

(Gijsbert Hanekroot)

 

Gijsbert Hanekroot là người duy nhất không cầm máy ảnh trong hình, tấm này do Mick Jagger bấm máy.

 

Trò chơi chữ trong cách đặt tên sách chỉ là món khai vị cho bữa tiệc thị giác bùng nổ mà Gijsbert cùng Sybren Kuiper mời người xem.
Phải nhắc đến Sybren Kuiper, vì không có ông, đây sẽ là một cuốn sách khác, và đống ngồn ngộn những slide phim của Gijsbert sẽ sống một cuộc đời khác.

Ông là người thiết kế sách.

Dùng đa dạng kích thước ảnh, cách cắt ghép, vị trí xếp đặt, mỗi trang sách vừa che dấu nội dung của ảnh tiếp theo, đồng thời hé lộ vừa đủ thiếu. Đúng là vừa đủ thiếu, vì nếu quá thiếu thì nó trở thành bức ảnh tồi, còn nếu đầy đủ hơn một chút thì trò chơi này liền trở nên dễ đoán.

 

Để lý giải cho cách làm này, Sybren Kuiper trả lời trong một bài phỏng vấn:

Gijsbert đến studio của tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh anh ấy đến với hai chiếc túi nhựa khổng lồ chứa đầy những bản in gốc. Tôi hỏi về số lượng ảnh tổng cộng, anh ấy trả lời lơ đãng rằng đây chỉ là ba chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái. Anh ấy trải ra hỗn độn những ảnh về biết bao cái tên thần tượng rock của tôi, theo thứ tự ngẫu nhiên, với kích cỡ và hình dạng khác nhau. Lấp dưới mỗi bức hình luôn có bất ngờ mới để khám phá. Ngay lập tức tôi cảm thấy rằng sẽ là một ý tưởng hay nếu mô phỏng hiệu ứng tương tự cho người xem sách. Như thể người xem đang lướt qua một chồng ảnh ghi lại năng lượng sôi nổi của thời gian đó. Nhưng tất nhiên nó phải là một cuốn sách thực sự, được đóng bìa chứ không chỉ là một đống ảnh rời… Cái khó ở đây là tạo ra một cuốn sách với những bức ảnh có định dạng và kích cỡ dường như rất lộn xộn lại với nhau. Làm thế nào một thứ như vậy có thể đóng thành sách, nếu không phải bằng lao động chân tay tốn công mà mắc mỏ? Thợ in nói rằng điều đó là không thể, nhưng tôi không muốn bỏ cuộc và đi thẳng đến thợ đóng sách. Trước sự ngạc nhiên của tôi, một lát sau, anh ấy gửi cho tôi một sách mẫu với vô số định dạng và biến thể trang khác nhau, được đóng gáy bằng máy.
Thực sự, tôi đã bị choáng ngợp khi phải nghĩ về cách thiết kế đồng thời phải chọn những bức ảnh đi kèm có ý nghĩa với thiết kế đó. Vì vậy, tôi đã cố gắng giới hạn bản thân ở mức 10-12 biến thể và lựa chọn ảnh phù hợp với một sơ đồ đã phác thảo. Đó là trò cân bằng giống như trong một vở xiếc, ở đây tôi đặc biệt phải để mắt đến phần đóng gáy nếu tôi muốn đa dạng hoá kích thước của các trang. Gijsbert và tôi đều tin rằng sẽ tốt hơn nếu cuốn sách được sắp xếp theo thứ tự trực quan thay vì theo thứ tự bảng chữ cái hoặc thứ tự thời gian. Anh ấy đã cho tôi tất cả tự do trong việc sắp xếp cuốn sách thành hình…

Có thể thấy ở một ảnh Neil Young cười tít mắt cùng tay đánh bass của nhóm Crazy House  Billy Talbot, cạnh bên là tay trống Keith Moon của nhóm The Who đang tạo dáng trong chiếc quần tà lỏn sau một buổi diễn, cùng trong tập hợp này là ca sĩ Bruce Springsteen, sôi nổi trong một màn trình diễn của mình, như đang cổ vũ trò đùa của những bạn ảnh hàng xóm.

 

 

Có thể thấy ở một ảnh Mick Jagger đang đổ xô nước xuống đầu mình trong khoảnh khắc được ánh đèn sân khấu soi rọi, ngay cạnh đó, người bạn ông, tay guitar Keith Richards ngồi trên chiếc ghế bành trong căn phòng bừa bộn của mình, cạnh đứa con trai nhỏ đang lúi húi trong một trò chơi, che dấu và hé lộ đôi chân của chính Keith Richards đang nghiêng ngả đắm chìm trong một màn diễn.

 

 

Bằng cách này, mỗi hình ảnh được mặc nhiều lớp áo, bạn không chỉ xem hình một lần, trong trọn vẹn khuôn hình độc lập của nó, mà còn được xem các biến thể, và khả năng tương tác của nó với những hình ảnh hàng xóm. Nó khiến người xem phải vận động, theo nghĩa đen là phải giở tới giở lui một trang sách mà soi cho kỹ, theo nghĩa bóng, là phải suy nghĩ, và liên tưởng xa ngoài hình ảnh.

Đến cuối những năm 70, Gijsbert quyết định gác máy. Ông lý giải, rất giản dị:

Tôi ngừng chụp ảnh rock khi thấy mình mang về nhà những bức ảnh kém ấn tượng hơn so với những gì tôi đã chụp cùng màn diễn đó ba năm trước. Việc chụp đã trở thành thông lệ. Và dù sao đi nữa, đã có ít nhất 50 ban nhạc mới vào năm 1978. Như vậy là quá nhiều để theo kịp và kiểu nhạc đó cũng không hẳn gây cho tôi thích thú. Đã đến lúc người khác thay thế vị trí của tôi. Tuy nhiên, ngay trước khi gác máy, tôi may mắn kịp chụp Talking Heads và David Byrne - đó là âm nhạc thực sự, trong một thế giới chỉ toàn tiếng ồn.

Chàng thanh niên trẻ Gijsbert lơ đãng và nhã nhặn ngày nào mà cú máy của Mick Jagger ghi hình giờ đã là ông lão tóc bạc gần 80. Vẫn nụ cười vụng về và cặp mắt kính tròng mỏng nhìn như thể là bất cứ ai, bây giờ ông chủ yếu chụp ảnh đường phố, đồng thời mang ảnh trong dự án ABBA…ZAPPA đi triển lãm khắp nơi.
Nếu tò mò, bạn có thể tìm Instagram @gijsbert_hanekroot để xem những slide ảnh gốc mà ông giữ.
Nhưng chỉ cảnh báo:
Nếu một nửa sự thật không phải là sự thật, thì việc xem ảnh của dự án này qua bất cứ một màn hình trung gian nào khác, mà không phải là mặt đối mặt với ảnh, tay lật sách, thậm chí còn không phải là một nano của sự thật.
Kể cả việc xem bài viết này.

Và sức mạnh của nhiếp ảnh tư liệu, có lẽ nằm ở chỗ nó cho ta quyền được nhớ.

DEMEDI
 

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi
popup

Số lượng:

Tổng tiền: